Phiên 5/2 có lẽ là phiên giao dịch lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm giảm 56,33 điểm, tương ứng 5,1% xuống 1.048,71 điểm. Đây là phiên giảm sâu nhất của chỉ số này kể từ sự kiện Biển Đông năm 2014.
Theo thống kê của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, vốn hóa thị trường sàn này giảm 152.131 tỷ đồng (tương đương 6,67 tỷ USD) xuống hơn 2,84 triệu tỷ đồng. Đây là mức giảm vốn hóa sâu nhất trong thời gian gần đây.
Trên sàn Hà Nội và UpCom, HNX-Index và UpCom-Index cũng “rơi tự do” góp phần khiến vốn hóa thị trường toàn thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” hơn 8 tỷ USD.
Thị trường có tới 71 mã giảm sàn. Trong 71 mã này, có rất nhiều mã là “cổ phiếu đại gia” như: VIC (Công ty cổ phần tập đoàn Vingroup), HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), VCB (ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank), BVH (Tập đoàn Bảo Việt), SSI (Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn) nằm trong danh sách các cổ phiếu mất mát nhiều nhất.
Cụ thể, chốt phiên 5/2, VIC giảm 6.100 đồng/CP xuống 81.100 đồng/CP, HNG giảm 580 đồng/CP xuống 7.720 đồng/CP, VCB giảm 4.700 đồng/CP xuống 67.200 đồng/CP, BVH giảm 5.600 đồng/CP xuống 74.700 đồng/CP, SSI giảm 2.450 đồng/CP xuống 32.650 đồng/CP.
Vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai giảm 445 tỷ đồng xuống 5.922 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của Vietcombank giảm 16.909 tỷ đồng xuống 241.770 tỷ đồng, của Bảo Việt giảm 3.811 tỷ đồng xuống 50.831 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Sài Gòn mất 1.225 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm qua.
Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng mất ngàn tỷ trong phiên giao dịch lịch sử 5/2. Giá trị VIC thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hao hụt 4.416 tỷ đồng.
Không giảm sàn nhưng cổ phiếu VJC của công ty cổ phần Hàng không Vietjet cũng lao dốc. VJC giảm 9.500 đồng/CP xuống 185.000 đồng/CP. VJC khiến khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet giảm 1.601 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn FLC và công ty cổ phần xây dựng FLC Faros là đại gia may mắn nhất khi cổ phiếu ROS lội ngược dòng và tăng điểm. Vì vậy, dù FLC giảm nhẹ, tài sản của ông Quyết vẫn tăng.
Có thể thấy, phiên giao dịch 5/2 khiến nhà đầu tư và các đại gia hoa hụt tài sản nghiêm trọng. Và đà mất mát đó có thể chưa dừng lại. Công ty chứng khoán BSC nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi mà tâm lý chung các nhà đầu tư đang rất hoang mang.
Bên cạnh tâm lý gần Tết bán mạnh như các năm trước, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng bởi thông tin sẽ điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ lên 60% vào ngày 1/3/2018 thay vì 50% như hiện tại.
Vì vậy, BSC khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong khoảng thời gian sát Tết và chỉ tham gia thị trường khi những dấu hiệu hồi phục rõ nét, hạn chế bắt đáy trong thời điểm nhạy cảm".
Video: Những tỷ phủ giàu nhất trên sàn chứng khoán
Bình luận