Vì sao giá vàng tăng 'nóng'?

Tin giá vàngThứ Bảy, 02/03/2024 14:06:00 +07:00
(VTC News) -

Sáng 2/3, giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước đồng loạt lập đỉnh lịch sử khiến nhiều người thắc mắc nguyên nhân giá vàng tăng "nóng".

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết, khi nền kinh tế toàn cầu đang phải trải qua nhiều biến động và bất ổn thì sức hấp dẫn của vàng ngày càng lớn.

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới tăng vọt lên mức 2.082 - 2.083 USD/ounce, vượt xa dự đoán là mức 2.050 USD/ounce trước đó. Việc Trung Quốc và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới gia tăng dự trữ vàng là một trong những động lực chính để hỗ trợ giá kim loại quý.

Hết tháng 12/2023, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp. Tương tự, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các thị trường mới nổi đã tăng đáng kể lượng vàng dự trữ trong hơn một thập niên trở lại đây. Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc và Nga là hai nước dẫn đầu về số lượng vàng mua vào ở mức cao kỷ lục, tăng 800 tấn (tương ứng tỉ lệ tăng 14%) so với cùng kỳ năm trước.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chính những biến động này trên thị trường thế giới đã tác động trực tiếp đến giá vàng trong nước, đẩy giá vàng tăng cao.

Giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh sáng 2/3/2024. (Ảnh: Minh Đức)

Giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh sáng 2/3/2024. (Ảnh: Minh Đức)

Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, cung cầu vàng chưa ổn định. Nguồn cung vàng còn hạn chế bởi hiện tại Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn đang là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng.

"Tại thời điểm này khi nhu cầu thị trường lên cao, theo lẽ thường “van nhập vàng" nên được mở ra. Thiết nghĩ trong nghị định 24 nên điều chỉnh quy định để nhiều nhà kinh doanh vàng có thể tham gia vào nhập khẩu vàng hơn là chỉ có NHNN thì giá vàng trong nước sẽ bình ổn hơn", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ông Hiếu phân tích thêm, hiện lãi suất ngân hàng càng ngày càng thấp, kênh đầu tư bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn, chứng khoán lúc lên lúc xuống. Vì thế, vàng vẫn đang được cho là kênh đầu tư có sức hút. Việc vàng tăng giá cũng là điều dễ hiểu. 

Những yếu tố đã hỗ trợ giá vàng trong nước liên tục tăng trong buổi sáng nay 2/3.

Đến buổi trưa, giá vàng miếng SJC đứng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 81 triệu đồng/lượng, xô đổ kỷ lục 80,4 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 12/2023, thậm chí vượt qua luôn mức giá 80,7 triệu đồng được lập trước đó không lâu.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng đang ở mức cao nhất là 67,6 triệu đồng/lượng (giá bán).

Khó mua vàng miếng, vàng nhẫn

Khảo sát của PV VTC News cho thấy, một vài ngày gần đây, nhiều người dân có nhu cầu mua vàng nhẫn nhưng không được. Nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, Cầu Giấy…(Hà Nội) thông báo hết hàng khi khách hỏi mua vàng nhẫn tròn trơn.

Thời điểm biểu giá vàng SJC nhảy lên mức cao nhất lịch sử: 81 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Minh Đức)

Thời điểm biểu giá vàng SJC nhảy lên mức cao nhất lịch sử: 81 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Minh Đức)

Một số cửa hàng nhỏ lẻ tuy vẫn còn vàng nhẫn nhưng người bán cho biết số lượng không nhiều và rất khan hiếm.

“Cửa hàng của tôi chỉ còn một số vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, 1 chiếc 0,5 chỉ và 1 chiếc 2 chỉ bày trong tủ. Vàng miếng thì hiện chỉ còn vàng miếng linh giáp, không còn vàng miếng SJC”, chủ cửa hàng vàng Hà Dung trên phố Trần Nhân Tông cho biết.

Trong khi đó, nhân viên tại chi nhánh SJC miền Bắc trên phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết không còn nhẫn tròn trơn. Vàng miếng SJC loại 1 chỉ cũng không còn. Cũng tại chi nhánh SJC ở phố Trần Nhân Tông, nhân viên cho biết không còn loại nhẫn 1 chỉ. Vàng miếng 1 chỉ cũng không có.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn