"Các nhóm của chúng tôi - Ukraine và Mỹ - đang nghiên cứu một thỏa thuận song phương về an ninh, về cơ sở cụ thể của an ninh và sự hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi đang nỗ lực đưa ra các cam kết để đạt được mức hỗ trợ cụ thể trong năm nay và trong 10 năm tới; bao gồm hỗ trợ về quân sự, tài chính và chính trị, cũng như những gì liên quan đến việc sản xuất vũ khí chung", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Telegram cá nhân.
Theo ông, Kiev muốn đây là thỏa thuận "vững chắc nhất" trong số các thoả thuận mà nước này đã ký hoặc đang có kế hoạch ký với các đồng minh khác.
Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua các khoản viện trợ nước ngoài, trong đó có 61 tỷ USD cho Ukraine, sau khi gói chi tiêu này được quốc hội phê duyệt.
Theo ông Biden, việc thông qua gói chi tiêu này cũng liên quan trực tiếp đến lợi ích của Mỹ: "Dự luật sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn, khiến thế giới tốt đẹp hơn và duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới".
Trong gói viện trợ cho Ukraine, khoảng 23 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ vũ khí, tạo điều kiện để tiếp tục chuyển giao khí tài cho Ukraine. 14 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc trực tiếp mua vũ khí từ các nhà thầu Mỹ và chuyển cho Kiev.
11 tỷ USD sẽ dành để tài trợ hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực. Khoảng 8 tỷ USD dành cho hỗ trợ phi quân sự, giúp chính phủ Ukraine duy trì các hoạt động cơ bản như trả lương và lương hưu.
Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva) vào mùa hè năm 2023, nhóm G7 công bố kế hoạch ký kết các thỏa thuận đảm bảo an ninh với Ukraine. Trong đó, Kiev cũng đã ký kết thoả thuận hỗ trợ kéo dài 10 năm với Anh, Đức, Đan Mạch, Ý, Canada, Latvia, Hà Lan, Phần Lan và Pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng những thỏa thuận trên không nói gì về "bảo đảm" mà chỉ trích dẫn những gì các đồng minh của Kiev đang làm, không cam kết hay hứa hẹn gì thêm.
Bình luận