Khoảnh khắc thú vị xảy ra ở phút 16 của trận đấu giữa U23 Indonesia và Uzbekistan. Hậu vệ Nathan Tjoe A On (U23 Indonesia) phạm lỗi khiến tiền đạo Ulugbek Khoshimov nằm sân đau đớn. Trọng tài ngay lập tức rút thẻ vàng cho cầu thủ bên phía Indonesia, bởi Tjoe A On đã ngăn chặn một pha phản công của Uzbekistan.
Đội ngũ y tế vào sân để chăm sóc cho Khosimov và liên tục cho cầu thủ này ngửi một vật thể nhỏ màu trắng. Sau nhiều lần hít vào, Khosimov trở lại thi đấu và tỏ rõ sự sung sức.
Phút 17, tiền đạo số 9 của Uzbekistan có một pha đoạt bóng, đột phá dũng mãnh, trước khi tung cú sút xa đưa bóng đi chệch cột trong gang tấc.
Vật màu trắng Khosimov ngửi được cho là một miếng bông tẩm amoniac. Hợp chất này không nằm trong danh sách cấm của Tổ chức phòng chống doping thế giới và có khả năng cải thiện hô hấp và hiệu suất thi đấu của các VĐV.
Trước đó, các cầu thủ Nga cũng bị phát hiện liên tục ngửi amoniac thông qua một miếng bông trước trận đấu tại World Cup 2018. Theo báo chí Nga, amoniac giúp tăng khả năng tập trung trong thời gian rất ngắn bằng cách kích thích hô hấp và cải thiện dòng oxy trong máu.
Không chỉ có tuyển Nga, các đội tuyển hàng đầu thế giới cho phép cầu thủ ngửi amoniac. CĐV từng chứng kiến Casemiro đưa cho Neymar ngửi khi thi đấu với Hàn Quốc tại World Cup 2022.
Ngoài amoniac, các cầu thủ còn một cách khác để cải thiện hiệu suất thi đấu, tăng cường hô hấp, đó là bôi một loại sáp đặc biệt có lên cổ áo. Dàn sao Real Madrid như Vinicius Jr, Luka Modric thường xuyên đưa áo lên mũi để ngửi trong trận đấu.
Thậm chí, các cầu thủ chuyên nghiệp tại Anh còn sử dụng cả bình xịt hen suyễn. Do phải hoạt động với cường độ cao, các cầu thủ Premier League đứng trước nguy cơ bị viêm hô hấp, hen suyễn. Họ có thể làm giảm tình trạng này bằng việc sử dụng loại thuốc hít có tên salbutamol.
Trở lại với U23 Indonesia, đại diện Đông Nam Á không thể tạo bất ngờ trước Uzbekistan nhưng vẫn còn cơ hội dự Olympic, nếu thắng trận tranh hạng ba với Iraq.
Bình luận