Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Theo kết luận điều tra, Trung tâm Đăng kiểm 50-05V tại TP.HCM có 2 chi nhánh, gồm: Chi nhánh chính tại 1143/3B Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12; Chi nhánh thứ 2 tại đường Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình.
Các bị can tại Trung tâm trên bị đề nghị truy tố các tội danh, gồm: Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Làm giả tài liệu tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức...
Lãnh đạo chủ trương nhận hối lộ, ăn chia vào cuối ngày
Năm 2014, Nguyễn Đình Quân được Cục Đăng kiểm Việt Nam bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đến tháng 5/2022 thì nghỉ hưu.
Trong quá trình công tác, để có tiền đưa cho các lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhằm không gây khó khăn trong công việc, tăng thêm thu nhập cho các đăng kiểm viên và nhân viên của trung tâm, Quân đề ra chủ trương cho các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ của chủ xe đăng kiểm để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định.
Sau khi có chủ trương, Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cùng ban lãnh đạo thống nhất cùng với các trưởng dây chuyền phổ biến cho các đăng kiểm viên cùng thực hiện. Việc nhận hối lộ của chủ phương tiện tại trung tâm này diễn ra từ năm 2014 đến tháng 12/2022.
Cụ thể, tại chi nhánh An Phú Đông, các đăng kiểm viên sẽ được phân công từng đoạn kiểm tra lỗi và nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện.
Đầu tiên, đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ lên cabin xe kiểm tra chủ xe có bỏ tiền vào các vị trí như: Cần gạt số, hộc đựng đồ trên cabin xe, trong bao thuốc lá để trên cabin… hay không.
Nếu có, đăng kiểm công đoạn 1 sẽ lấy hoặc người đi đăng kiểm đưa trực tiếp thì đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ nhận.
Sau khi nhận tiền, các đăng kiểm viên thông báo cho nhau biết để quá trình kiểm định bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn của phương tiện. Số tiền này, đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ giữ đến cuối ngày tổng hợp và chia nhau.
Trường hợp người đi đăng kiểm có quen biết với đăng kiểm viên thì trực tiếp đưa tiền cho đăng kiểm viên để được bỏ qua lỗi khi kiểm định.
Ngoài ra, các đăng kiểm viên còn móc nối với các kẻ môi giới, gồm: Nguyễn Đình Khoa (bảo vệ), Nguyễn Thị Thanh Vân, Phạm Hữu Đại để nhận tiền hối lộ của người đi đăng kiểm nhằm bỏ lỗi vi phạm.
Đặc biệt, từ 1/7/2022, khi Trần Anh Tú được bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chung Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đã liên lạc với Ngô Ngọc Sơn (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V) qua điện thoại và ghi âm lại lời nói của Sơn với nội dung Sơn truyền đạt lại chủ trương của bị can Đặng Việt Hà - Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm.
Nội dung như sau: Tất cả các Trung tâm khối V trực thuộc Cục Đăng kiểm phải chia cho Đặng Việt Hà số tiền nhận hối lộ, tùy vào loại xe từ 8.000 đồng - 15.000 đồng/1 xe kiểm định đạt.
Chính vì thế, Tú đã quán triệt chủ trương của Đặng Việt Hà đến từng trưởng dây chuyền của chi nhánh An Phú Đông và chi nhánh Hồng Hà để họ thực hiện.
Từ năm 2014 đến tháng 11/2022 (trừ thời gian dịch COVID-19) số tiền các bị can khai đã nhận hối lộ tại chi nhánh An Phú Đông là gần 11,5 tỷ đồng.
Không có tiền hối lộ, đăng kiểm viên sẽ bật đèn ra hiệu
Tại chi nhánh Hồng Hà, từ đầu năm 2015, các đăng kiểm viên thực hiện dùng các ám hiệu nhằm thông báo cho nhau để nhận tiền hối lô.
Cụ thể, khi chủ phương tiện đưa xe vào chuyền kiểm định, đăng kiểm viên ở công đoạn 1 sẽ kiểm tra trên xe có tiền của khách để trong cabin hay không (thường từ 100.000 đồng - 200.000 đồng để tại hộc gần cần số, hốc máy lạnh, hốc bên trái xe, trên ghế xe…).
Nếu có, đăng kiểm viên không bật đèn ra hiệu, còn nếu không có tiền thì sẽ bật đèn ra hiệu để cho các đăng kiểm viên trong chuyền được biết.
Nếu chủ xe có để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt của phương tiện và kiểm định đạt ngay lần kiểm định đầu tiên.
Còn trường hợp chủ phương tiện không để tiền trên xe, các đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ, ghi nhận tất cả các lỗi rồi in phiếu kiểm định lần 1 không đạt và yêu cầu phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2.
Các chủ phương tiện khi xe kiểm định không đạt lần 1 sẽ không mang xe ra ngoài sửa mà liên hệ trực tiếp với đăng kiểm viên trong chuyền. Sau đó đưa hối lộ từ 150.000 đồng - 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.
Đăng kiểm viên của công đoạn không đạt sẽ trực tiếp lấy tiền hoặc phân công đăng kiểm viên khác lấy tiền mà chủ phương tiện đã để trên xe để bỏ qua lỗi rồi cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Số tiền nhận hối lộ các đăng kiểm viên tập hợp đưa cho trưởng dây chuyền vào cuối ngày và phân chia với nhau.
Từ năm 2015 đến tháng 11/2022 (trừ thời gian dịch COVID-19), số tiền nhận hối lộ tại chi nhánh Hồng Hà là 26,5 tỷ đồng.
Bình luận