Thói quen nguy hiểm cần loại bỏ ngay tại các siêu thị

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Tư, 31/08/2022 15:59:00 +07:00
(VTC News) -

Thói quen thoải mái sử dụng túi nilon trong siêu thị là một tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng cần sớm được loại bỏ.

Tình hình thực tế cho thấy túi nilon đang được sử dụng rộng rãi, phổ biến ở khắp các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cho đến cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Đặc biệt, hiện nay, không ít siêu thị trong nước vẫn đang sử dụng túi nilon để chứa đựng tất cả các hàng hóa mà một khối lượng lớn người mua lựa chọn. 

Theo số liệu khảo sát vào tháng 3/2021 do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi nilon được sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nilon/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nilon/ngày, dao động từ 70 đến 2.800 túi.

Thói quen nguy hiểm cần loại bỏ ngay tại các siêu thị - 1

Việc sử dụng túi nilon trong siêu thị như một thói quen xấu, góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm, thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, tuy nhiên, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới đều thải ra bãi rác/chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến 2050, thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi rác/chôn lấp và môi trường tự nhiên, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.

Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Nếu tiếp tục giữ thói quen sử dụng túi nilon tại các siêu thị, cửa hàng, một khi không kiểm soát được lượng túi nilon thải ra mỗi ngày thì chính người tiêu dùng phải chịu những tác hại khủng khiếp từ chúng.

Túi nilon phân hủy rất lâu, có thể lên tới 1.000 năm hoặc hơn. Túi nilon vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Đốt túi nilon sinh nhiều khí độc hại như CO2,  gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu túi nilon bị chôn vùi trong lòng đất sẽ phá hủy nguồn nước ngầm, vi sinh vật, kéo theo tác động tới hệ sinh thái, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cối, gây nên tình trạng sạt lở đất, xói mòn vào mùa mưa lũ…

Chưa kể, túi nilon cũng không an toàn đối với sức khỏe con người. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người mua không nên dùng nilon để đựng thực phẩm hay những mặt hàng ăn liền.

Giảm thiểu sử dụng túi nilon tại siêu thị

Góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nilon tại các siêu thị, Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án Plastic Alliance ) đã được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, dự án thí điểm nằm trong khuôn khổ Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa biển tại Việt Nam” nhằm huy động sự tham gia của các nhà bán lẻ trong việc giảm túi nilon sử dụng một lần. Một chiến dịch truyền thông mang tên “Chung tay giảm chất thải nhựa” sẽ được tổ chức nhằm từng bước thay đổi hành vi của khách hàng, nhà bán lẻ và cộng đồng về việc hạn chế sử dụng túi nilon dùng một lần.

Thông qua dự án thí điểm Plastic Alliance, Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực giảm rác thải nhựa đại dương, bằng cách tuyên truyền, vận động các siêu thị và người tiêu dùng thay đổi thói quen, nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon dùng một lần. Chia sẻ kinh nghiệm tại châu Âu, bà Fanny Quertamp, Chuyên gia cao cấp Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” cho biết: Từ năm 2018, túi nilon không được cấp miễn phí và khuyến khích người tiêu dùng không dùng túi nilon tại các siêu thị.

Hiện nay, túi nilon là 1 trong 10 sản phẩm nhựa bị cấm phát miễn phí tại EU. Tại Việt Nam, việc thay đổi cách sử dụng túi nilon là rất khó, do đó cần khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi nilon và nêu bật vai trò của người dân chống rác thải nhựa. Cùng với những chính sách của Chính phủ, hành vi của người dân mang lại thay đổi nhỏ nhưng tác động lớn. Liên minh các nhà bán lẻ và siêu thị được thành lập với 14 thành viên và các thành viên phải nỗ lực lớn để vận động người tiêu dùng hướng tới hành vi tiêu dùng xanh hơn.

Tại Việt Nam, MM Mega Market là 1 trong những siêu thị đầu tiên thực hiện không phát túi nilon dùng 1 lần cho khách hàng. Cơ sở đầu tiên thực hiện giảm thiểu sử dụng túi nilon là tại Hà Đông, thời gian đầu nhân viên chỉ tuyên truyền và hạn chế sau đó thì không phát túi nilon đựng hàng nữa. Điều này dẫn tới việc giảm rõ rệt số lượng người mua sắm trong thời gian đầu thực hiện. Cụ thể, tháng đầu tiên, hóa đơn mua hàng giảm 20 -30%; đây cũng là cơ sở để Ban Lãnh đạo xây dựng kế hoạch, điều chỉnh dần dần để khách hàng không bị sốc và phản ứng với việc đến siêu thị không được phát túi tại các cơ sở tiếp theo.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn