• Zalo

Thị trường chứng khoán 'uốn lượn', vừa 'sập sàn' lại tăng phi mã

Kinh tếThứ Sáu, 12/10/2018 16:01:00 +07:00Google News

Vừa “rơi tự do” và đánh mất 160.000 tỷ đồng trong phiên 11/10, hôm nay, VN-Index bất ngờ tăng vọt, lấy lại được 50% những gì đã mất.

Hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến phiên giao dịch lịch sử, chỉ số VN-Index “rơi tự do” khi giảm hơn 48 điểm. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM “bốc hơi” tới 160.000 tỷ đồng khiến nhà đầu tư lỗ nặng.

Vì vậy, nhà đầu tư rất dè dặt khi đặt niềm tin vào phiên giao dịch 12/10. Đúng như dự báo trước đó, mở đầu phiên, VN-Index tiếp tục đi xuống dù tốc độ giảm đã được hạn chế rất nhiều. Trong phần lớn thời gian phiên sáng, VN-Index chỉ mất khoảng 6 điểm.

ck10

Thị trường chứng khoán 12/10 tăng mạnh. 

Thế nhưng, tới đợt giao dịch buổi chiều, tín hiệu tươi sáng quay lại đầy ngạc nhiên. Càng về cuối phiên, dòng tiền chảy vào thị trường càng nhiều khiến VN-Index bật tăng mạnh mẽ.

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index tăng 24,19 điểm, tương ứng 2,56% lên 970,08 điểm. Dù bật tăng nhưng VN-Index vẫn còn rất xa mốc 1.000 điểm và chỉ lấy lại được 50% những gì đã mất trong ngày hôm qua.

Toàn sàn TP.HCM ghi nhận 249 mã tăng giá, 41 mã đứng giá và 57 mã giảm giá. Có gần 229 triệu cổ phiếu, tương ứng 5.060 tỷ đồng được trao tay trong cả phiên giao dịch.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò không nhỏ trong phiên bật dậy bất ngờ này. Đóng cửa phiên, chỉ số VN30-Index tăng 23,47 điểm, tương ứng 2,55% lên 943,49 điểm. Có gần 79 triệu cổ phiếu vốn hóa lớn, tương đương 2.594 tỷ đồng đã giao dịch thành công.

Trong nhóm VN30, có tới 26 mã tăng giá, 1 mã đứng giá và 3 mã giảm giá. 3 mã kém may mắn đó là CTD, CII và ROS. Chốt tuần, CTD giảm 400 đồng/CP xuống 156.100 đồng/CP, CII giảm 250 đồng/CP xuống 25.750 đồng/CP và ROS giảm 5 đồng/CP xuống 39.950 đồng/CP. Có thể thấy, cả 3 mã này đều giảm rất nhẹ.

Hôm qua, cổ phiếu dầu khí và ngân hàng đua nhau giảm sàn. Hôm nay, các mã này chưa đủ may mắn lọt vào danh sách các cổ phiếu tăng mạnh nhất phiên.

Đứng đầu danh sách này là cổ phiếu ít tên tuổi TGG của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang. TGG tăng trần, tăng 680 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP. Đứng sau TGG về tốc độ tăng cũng là những cổ phiếu nhỏ.

Cụ thể, cổ phiếu DHN của Công ty cổ phần Thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu tăng 310 đồng/CP, tương ứng 7% lên 4.750 đồng/CP.

Cổ phiếu BTT của Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bến Thành tăng 2.300 đồng/CP, tương ứng 7% lên 35.450 đồng/CP. Trong khi đó, cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất chính là STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Chốt tuần, STB dừng ở mức 13.050 đồng/CP sau khi tăng 600 đồng/CP, tương ứng 4,4%. Có tới 15 triệu cổ phiếu STB được khớp lệnh. 

Đứng sau STB về khối lượng giao dịch là FLC với 9,8 triệu đơn vị, MBB (8,5 triệu đơn vị), VPB (8,5 triệu đơn vị), HSG (6,9 triệu đơn vị). Có thể thấy, trong danh sách này, cổ phiếu ngành ngân hàng chiếm ưu thế. 

Trong khi đó, cổ phiếu ngành thủy sản có 1 phiên giao dịch kém may mắn. Bất chấp thị trường thăng hoa, cổ phiếu ngành này đua nhau “cắm đầu đi xuống”.

Giảm mạnh nhất là HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương. Đóng cửa phiên, HVG giảm sàn, giảm 460 đồng/CP, tương ứng 7% xuống chỉ còn 6.140 đồng/CP.

Như vậy, HVG đã có chuỗi 5 phiên giảm sàn liên tiếp và ghi tên mình vào danh sách các mã giảm mạnh nhất tuần. Cổ phiếu AGF của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang có diễn biến bết bát tương tự HVG. Đóng cửa tuần, AGF giảm 400 đồng/CP, tương ứng 6,3% xuống 5.910 đồng/CP.   

Video: Những tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn