Tết Hàn thực 2023 là ngày nào?

Gia đìnhThứ Sáu, 21/04/2023 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Tết Hàn thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một trong những dịp quan trọng trong văn hóa người Việt, ngày này, những người xa quê thường trở về đoàn tụ với gia đình.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng 3, các gia đình đều chuẩn bị món bánh trôi, bánh chay vừa để cúng ông bà, tổ tiên, vừa để thưởng thức. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực xuất phát từ đâu.

Tết Hàn thực 2023 rơi vào thứ Bảy ngày 22/4 dương lịch.

Tại Việt Nam, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt.

Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Đồng thời, mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Luôn phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ.

Cứ mỗi lần đến Tết Hàn thực, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau sum họp bên mâm cơm. Vào ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí, nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành kính.

Tết Hàn thực 2023 là ngày nào? - 1

Tết Hàn thực 2023 rơi vào thứ Bảy ngày 22/4 dương lịch. (Ảnh minh họa)

Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực

Tết Hàn Thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. 

Đây là một ngày lễ có nguồn gốc từ một số tỉnh thuộc Trung Quốc, đông đảo cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới và miền bắc Việt Nam. Được biết, ngày Tết này gắn liền với một điển tích Trung Quốc.

Chuyện kể rằng, vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. 

Trên đường lánh nạn, vua Tấn được hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Thậm chí, lúc lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi còn lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu dâng lên vua.

Sau khi biết sự việc, vua Tấn đem lòng cảm kích vô cùng. Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.

Tuy vậy, Giới Tử Thôi vẫn không hề oán giận, ông trở về đưa mẹ già vào trong núi ở ẩn. Một thời gian sau, khi vua nhớ ra bèn cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. 

Vua thấy vậy hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch. 

Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua đau lòng và ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng dùng lửa suốt 3 ngày và chỉ ăn thức ăn nguội lạnh nấu sẵn. Hàng năm, cứ đến 3/3 âm lịch, người dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước. 

KHÔI NGUYÊN (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn