Với nhà thơ Anh Ngọc, “Vị tướng già” là bài thơ có ý nghĩa rất riêng và rất thiêng liêng trong cuộc đời làm báo làm thơ của ông. Bài thơ ra đời năm 1994, trong một lần ông cùng cùng các nhà văn quân đội tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Khi trở về, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bài đối thoại, còn tôi sáng tác bài thơ này. Có thể nói, người lính tiêu biểu nhất chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của toàn quân, người đã đi suốt ba cuộc chiến tranh của dân tộc trong thế kỷ 20. Bài thơ này đã được được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ rất thành công” – nhà thơ Anh Ngọc vui vẻ tiết lộ.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất nhà thơ Anh Ngọc được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy Đại tướng đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn thông tuệ, tinh anh, và đặc biệt giản dị. Cuộc gặp gỡ đem đến cho ông nhiều xúc cảm. Và khi đi vào thơ, thì hình ảnh của Đại tướng là sự hòa trộn giữa hiện thực và tưởng tượng, được chưng cất thành biểu tượng, hình tượng nghệ thuật. Thời điểm bài thơ mới ra đời, có một vài ý kiến cho rằng nhà thơ Anh Ngọc viết về đại tướng có phần đơn giản, như viết về một người bình thường. Nhưng thực tế đã chứng minh sức hấp dẫn đi cùng năm tháng của bài thơ.
Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng: “Nếu viết để phục vụ mục đích tuyên truyền cổ động thì người viết thường đi tìm chất anh hùng trong người bình thường, như cách biểu dương người tốt việc tốt, như một thời chúng ta ra ngõ là gặp anh hùng. Còn với văn chương nghệ thuật thì khác, cần phải tìm điều giản dị bình thường trong những điều cao cả khác thường. Một người anh hùng cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng ốm đau, cũng già cả và rồi cũng sẽ chết. Người anh hùng nhưng cũng không tránh được quy luật cuộc sống. Đó mới là cách nhìn, cách ngợi ca cao nhất, nhân văn nhất của văn học.
Ở đây, tôi viết về một vị đại tướng của nhân dân, tiêu biểu tượng trưng cho những người lính cụ Hồ đi kháng chiến cứu nước. Lúc Tổ quốc lâm nguy thì xả thân mình. Khi giành được hòa bình rồi lại trở về đời thường, đối diện với những khỏe mạnh yếu đuối của một con người bình thường. Đây là vị tướng của nghệ thuật. Cụ Giáp là nguyên mẫu nhân vật, nhưng bài thơ không vẽ truyền thần cụ Giáp”.
"Những đối thủ của ông đã chết từ lâu/ bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa/ ông ngồi giữa thời gian vây bủa/ nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình”… Những dòng thơ khởi đầu đã mở ra cả một không gian mênh mang của ký ức đã xa, thực tại thì cô đơn buồn vắng, và nhân vật phải đối diện với thực tại ấy, quá khứ thẳm sâu ấy. Hơn hết, vẫn là sự đối diện với chính mình, với tuổi già, với những bình thường hàng ngày.
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù
Trong cả bài thơ, nhà thơ Anh Ngọc sử dụng nhiều hình ảnh đối lập, tương phản, với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, khi nén lại, khi buông duỗi, tạo nhịp điệu linh hoạt, từ đó tập trung khắc họa hình tượng vị tướng của nhân dân, vị tướng giữa đời thực, cũng bình dị như bất cứ người nào, cũng phải đối diện với tuổi già, với thời gian, với những buồn vui lớp lớp. Bầu không khí trong thơ vừa hiện đại, vừa pha màu cổ kính, nhuốm chất phương Đông lại phảng phất chất phương Tây, khiến cho những hình ảnh khi động khi tĩnh, không gian thơ là không gian đa chiều, vừa như có thể chạm được, vừa như ở trong những miền thẳm sâu.
Quá khứ trận mạc với thắng thua, được mất đã qua. Còn lại là an yên của tâm hồn, là niềm lưu luyến với cuộc đời, với những vẻ đẹp chốn nhân gian. Trong vẻ đẹp ấy có đớn đau, có mất mát xót xa, nhưng đọng lại, ánh lên là những gam màu tuyệt vời mà sự sống đã ban tặng cho con người, vẻ đẹp của tình yêu, nhân văn nhân ái, vẻ đẹp của sự vị tha. Vậy nên, mới có những câu thơ dùng dằng, xúc động:
Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn lưu luyến với mùa thu
Bài thơ “Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc không viết trực tiếp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những hình ảnh trong bài thơ mang tính biểu tượng. Nhưng đại tướng là nguồn cảm xúc trực tiếp để nhà thơ Anh Ngọc có cơ hội bày tỏ trải nghiệm và suy tư dồn nén của mình về những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước, nhân dân, cảm thức về thân phận con người, về vẻ đẹp bất tử của trí tuệ, của lòng nhân ái,vị tha.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra vào một ngày thu, ra đi vào một ngày thu, Cuộc đời ông cũng gắn với nhiều sự kiện lớn của dân tộc diễn ra vào những mùa thu lịch sử, những mùa thu lưu luyến cõi nhân gian.
Vị tướng già
Anh Ngọc
Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây
Ông ra đi
Và…
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa
Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
Bình luận