Quán Thế Âm Bồ tát là ai?

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 25/03/2024 13:28:00 +07:00
(VTC News) -

Quán Thế Âm Bồ tát là một trong những vị bồ tát được biết đến nhiều nhất, được thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, vậy ngài là ai?

Tên nguyên bản tiếng Phạn của vị bồ tát này là Avalokiteśvara, phiên âm Hán Việt là Quán Thế Âm Bồ tát, với ý nghĩa "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian", hiện thân cho lòng từ bi của chư Phật.

Theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ngài có tên gọi này là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ nạn. Mỗi khi chúng sinh bị khổ đau, tai ách nếu nhất tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, ngài lập tức nghe thấy và cứu họ.

Theo Bát Nhã Tâm Kinh, ngài vốn có tên Quán Tự Tại – tên gọi dựa trên pháp môn tu tập. Khi quán chiếu thật sâu vào chính mình, ngài ngộ ra ngũ uẩn đều là giả tạm, nhờ đó vượt thoát mọi khổ đau, nạn ách.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại Nālandā (Bihar, Ấn Độ) thế kỷ 9.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại Nālandā (Bihar, Ấn Độ) thế kỷ 9.

Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Phật Thích Ca dạy tôn giả A Nam rằng trong vô lượng kiếp trước, Quán Thế Âm Bồ tát đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai (vị như lai đã hiểu tường tận chánh pháp). Vì nguyện lực đại bi, muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các Bồ tát, muốn cứu vớt chúng sinh nên ngài lại hiện thế, làm một vị bồ tát với danh hiệu Quán Thế Âm. Ngài vừa hiện diện thường xuyên ở thế giới ta bà vừa trợ giúp tuyên giảng chánh pháp cho Phật A Di Đà ở Tây phương cực lạc.

Còn kinh Đại Bi Liên Hoa chép, trước khi phát đại nguyện, có một kiếp, Quán Thế Âm Bồ tát là Thái tử Bất Huyền, con trưởng của Chuyển luân vương Vô Tránh Niệm, người sau này là Phật A Di Đà. Ngài được Phật Bảo Tạng cho biết rằng, Đức A Di Đà dù thọ mạng vô biên nhưng rồi cũng sẽ nhập niết bàn, khi đó Quán Thế Âm Bồ tát tiếp quản chánh pháp và cõi cực lạc và thành Phật, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.

Quán Thế Âm Bồ tát là nam hay nữ?

Hình Quán Thế Âm Bồ tát được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, gồm cả thân nam lẫn thân nữ. Thật ra, ngài không có giới tính nhất định, có thể tùy duyên mà hóa thân nhằm cứu độ chúng sinh.

Kinh Phổ Môn viết rằng, Bồ tát không phải nam, cũng không phải nữ. Ngài hiện thân tùy theo nhu cầu thiết yếu của chúng sinh muốn được cứu độ, nếu là đồng nam cầu cứu thì Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân đồng nam, nếu là đồng nữ cầu cứu thì ngài hiện thân đồng nữ. Và ngài còn nhiều hiện thân khác, tùy duyên thị hiện để cứu độ tất cả.

Tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ở khu vực Đông Nam Á, ngài thường được đúc tượng với hình dáng nữ, vì Quán Thế Âm Bồ tát hiện cho lòng từ bi vô tận. Đó là hình tượng một phụ nữ có gương mặt rất đẹp, hết mực hiền từ, dịu dàng,  một tay cầm bình cam lộ, tay kia cầm cành dương liễu để vẩy nước trong bình cứu khổ chúng sinh.

Lý giải việc các chùa ở Việt Nam thờ đức Quán Thế Âm hầu như đều tạc hình người nữ, Hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích trong cuốn Phật pháp tại thế gian như sau: Với người Việt Nam từ xưa, người cha thường gắn với hình tượng nghiêm trang, nghiêm khắc, còn người mẹ dịu dàng, khi dạy con thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, không đánh mắng.

"Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sinh, nên người ta thường xưng tán ngài là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát. Hạnh đại từ bi của ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sinh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng ngài là nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải ngài thật là người nữ", Hòa thượng Thích Thanh Từ viết.

Hình tượng Quán Thế Âm có ý nghĩa gì?

Chúng ta rất dễ nhận ra tượng Bồ tát Quán Thế Âm với tay trái cầm bình cam lộ, tay phải cầm cành dương liễu.

Có thể hiểu ý nghĩa hình tượng này qua việc lý giải câu nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm được ghi trong kinh Phổ Môn: “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai cam lộ sái tâm nguyện”.

Hình ảnh quen thuộc của Quán Thế Âm Bồ tát với tịnh bình và cành dương liễu.

Hình ảnh quen thuộc của Quán Thế Âm Bồ tát với tịnh bình và cành dương liễu.

Trong đó, “thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh; “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lộ của đức Quan Âm rưới lên tâm.

Ý nghĩa câu kinh này là: Bình thanh tịnh đựng nước cam lộ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Như vậy, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm tay cầm bình cam lộ, tay cầm cành dương liễu chính biểu trưng cho hạnh nguyện cứu khổ của ngài.

Nước cam lộ biểu trưng cho lòng từ bi rưới lên và làm dịu nỗi khổ của chúng sinh, làm cho chúng sinh trở nên mát mẻ, bình an. Bình thanh tịnh tượng trưng cho việc giữ giới trong sạch, thanh tịnh. Phải có giới đức thanh tịnh mới chứa đựng được lòng từ bi. Cành dương liễu mềm, dẻo, khó gãy, biểu trưng cho đức nhẫn nhục – một trong những phẩm hạnh phải có để có thể lòng từ bi rải cho chúng sinh.

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn