• Zalo

Những tác hại 'rùng rợn' khiến bạn phải cân nhắc lại việc uống trà sữa trân châu

Đời sốngThứ Hai, 18/09/2017 08:00:00 +07:00Google News

Mới đây, tại Đài Loan - quê hương của món trà sữa, các bác sĩ đã tìm ra được bằng chứng chứng minh uống nhiều trà sữa gây ra những hệ luỵ không ngờ.

Một kênh truyền thông Đài Loan gần đây đã đưa tin về một nữ sinh trung học không bị cảm sốt, không trong thời kỳ ăn kiêng nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt và dễ buồn ngủ. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ đã nghi ngờ cô bị thiếu sắt do uống tới 3 cốc trà sữa mỗi ngày.

Trà sữa là một loại đồ uống rất được giới trẻ yêu thích tại nhiều quốc gia. Ảnh Internet.

Một kênh truyền thông Đài Loan gần đây đã đưa tin về một nữ sinh trung học không bị cảm sốt, không trong thời kỳ ăn kiêng nhưng cơ thể luôn mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt và dễ buồn ngủ. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ đã nghi ngờ cô bị thiếu sắt do uống tới 3 cốc trà sữa mỗi ngày.

Tại Việt Nam, trà sữa cũng là món đồ uống được nhiều bạn trẻ cực kỳ yêu thích. Với vị ngọt, béo tự nhiên cộng với hạt trân châu thơm ngon, dai dai, rất phù hợp để vừa nhâm nhi vừa "chém gió". Thậm chí năm 2016 vừa qua, trà sữa còn được vinh danh là ‘món ăn của năm” trong một cuộc bình chọn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải biết đến những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cơ thể nếu sử dụng loại đồ uống này xuyên và liên tục.

Thiếu sắt, thừa cân, béo phì, hại gan thận... là những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe cơ thể nếu uống trà sữa thường xuyên và liên tục.

1. Thiếu hụt dinh dưỡng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trà sữa mà chúng ta hay uống thường không chứa sữa cũng không có trà. Thành phần chính của chúng là kem béo pha lẫn bột trà cùng các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu…

Sữa ở trong trà sữa nếu so sánh với sữa thật thì bị thiếu canxi, vitamin B, A, D, protetin… Không chỉ có thế, trà sữa trân châu còn chứa một lượng lớn đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa rất không tốt cho sức khỏe con người.

2. Góp phần tiêu diệt “tinh binh”

Kem béo sử dụng để pha chế trà sữa chủ yếu là dầu thực vật hydro hóa, là một loại axit béo chuyển hóa. Theo chuyên gia dinh dưỡng của trang mạng sức khỏe 863, axit béo chuyển hóa trong trà sữa có nguy hại lớn hơn cả mỡ động vật. Dung nạp nhiều chất này trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của tinh binh cũng như sự linh hoạt của chúng, làm tăng thêm nguy cơ vô sinh ở nam giới.

Theo các nhà khoa học, không chỉ với đàn ông, phụ nữ khi nạp nhiều axit béo chuyển hóa cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp thành của hormone giới tính, dẫn đến kinh nguyệt không đều và nguy cơ sinh trẻ bị dị tật bẩm sinh.

3. Gây ra các tổn thương cho gan thận

Trà trong trà sữa thực ra là dùng tinh trà. Đây là một loại trà tinh chế tổng hợp thêm vào một ít bột màu. Khi uống không khác gì với trà tự nhiên nhưng tinh trà thuộc thành phần chất tổng hợp hóa học.

Các chuyên gia cho biết, nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn thì cơ bản không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu thêm vào đó chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều trà sữa trong thời gian dài thì sẽ có khả năng gây tổn thương cho gan thận.

Bởi sau khi tinh trà đi vào cơ thể phải cần gan và thận trao đổi bài tiết, gây thêm gánh nặng cho 2 bộ phận để lọc hết các thành phần hóa học tổng hợp.

4. Gây béo phì

Theo các nhà hoạt động thuộc Liên minh Phòng chống béo phì châu Á Thái bình dương (APIOPA), trà sữa trân châu ẩn chứa nguy cơ béo phì và tiểu đường cực lớn.

Trà sữa chứa một lượng đường gần ngang với nước ngọt có ga, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa. Một phần trà sữa chứa khoảng 90g đường, 7g chất béo và 490calo.

Xét về góc độ trà sữa chứa nhiều đường sữa, Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho sức khỏe nói chung.

Chuyên gia nhấn mạnh, việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến bạn tăng cân, béo phì, thừa canxi có thể dẫn đến sỏi thận… Việc uống đều đặn sau mỗi bữa ăn mỗi ly trà sữa nhiều đường nhiều sữa sẽ khiến bạn khó tránh những rủi ro không mong muốn về lâu dài.

5. Gây thiếu sắt

Để có thể hấp thụ tốt chất sắt thì cơ thể phải có môi trường axit ổn định. Nhưng trà sữa đã cản trở điều đó. Theo bác sĩ Chu Minh Văn (Giám đốc Bệnh viện Thư Điền, Đài Loan) cho biết, chất kiềm trong trà sẽ làm trung hòa axit ở dạ dày gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt nếu uống thường xuyên. Sau đó, làm cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh, xanh xao, suy giảm thể chất…

6. Cảnh giác với trà sữa tự pha

Theo các chuyên gia dinh dưỡng học, kể cả khi chúng ta tự mua trà và sữa về tự làm cũng không tốt. Thứ nhất là do nguyên liệu, thành phần làm trà sữa mua ở chợ hay các cửa hàng chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Thứ hai, việc kết hợp trà và sữa là hết sức phản khoa học. Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất trong trà - mà hợp chất này có tác dụng tăng cường bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch. Ngược lại, trà cũng đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể kịp hấp thu.

Sau sự việc đáng tiếc của nữ sinh ở trên, các bác sĩ Đài Loan cũng đã đưa ra cảnh báo: cơ thể tiêu thụ cái gì nhiều quá cũng không tốt. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, người tiêu dùng, nhất là thanh thiếu niên không nên uống trà sữa bán ở vỉa hè, không uống trà sữa có quá nhiều đường sữa và không uống chúng nhiều lần trong ngày. Hãy là một người uống trà sữa "thông thái" bạn nhé!

Cô Tấm
Bình luận
vtcnews.vn