Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết dịp Tết Nguyên đán 2023, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình ổn, lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá đột biến.
Tuy nhiên vẫn còn một số ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương đang tạm dừng bán hàng do chưa kịp nhập hàng hoặc có cửa hàng chỉ còn dầu, hết xăng. Hay có cửa hàng nghỉ bán hàng có lý do đã được sự cho phép của Sở Công Thương (tại một số địa phương như Hà Giang, Hà Tĩnh, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM, Trà Vinh, Ninh Bình...).
Tại TP.Hà Nội, trong ngày 24/1 (mùng 3 Tết), lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt một cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi niêm yết giá bán lẻ không đúng với giá quy định, mức phạt 7,5 triệu đồng.
Tương tự, tại tỉnh Hà Nam, ngày 25/1 (mùng 4 Tết) cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty TNHH Chiến Dưỡng về hành vi giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết mà không có lý do chính đáng.
Khu vực phía Nam, tại tỉnh Bình Phước, trong ngày 25/1, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi "ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản" và đã tiến hành kiểm tra và lập hồ sơ tiến hành xử phạt đối với hành vi vi phạm.
"Để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã luôn bám sát địa bàn, yêu cầu các cửa hàng khẩn trương nhập xăng, dầu; duy trì thời gian bán hàng và thực hiện đúng các quy định của pháp luật để đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", ông Linh cho biết.
Liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhìn chung, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas...cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Tuy nhiên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, nhất là tuyến đường biển, đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp vào thời điểm các tháng giáp Tết, chủ yếu các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...
Trước diễn biến này, lực lượng chống buôn lậu ở trung ương đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa.
Vẫn theo ông Linh, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp trước Tết Nguyên đán có nhiều diễn biến phức tạp nhưng các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, nhiều lô hàng vi phạm về an toàn thực phẩm có giá trị lớn đã bị bắt giữ, tiêu hủy.
Bình luận