Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch giữa tháng 9 với phiên đi ngang trong ngày 17/9 (giờ Mỹ). Theo đó, giá vàng giao ngay trên sàn New York đêm qua đóng cửa ở mức 1.753,8 USD/ounce, chỉ tăng 0,1 USD so với phiên liên trước và duy trì vùng giá thấp nhất một tháng gần đây.
Trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 cũng giảm nhẹ trong đêm qua, đóng cửa tuần này ở mức 1.753,9 USD/ounce.
Trong tuần này (13-17/9), giá vàng thế giới khởi đầu từ mức 1.786,8 USD cuối phiên tuần trước và tăng lên vượt mốc 1.800 USD trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, mốc 1.800 USD vẫn là ngưỡng kháng cự quan trọng với vàng khiến giá kim quý giảm ngay sau đó xuống vùng 1.790 USD/ounce.
Bước ngoặt trong tuần giao dịch này là phiên lao dốc hơn 40 USD/ounce ngày 16/9 (giờ Mỹ) vừa qua. Không chỉ đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất tuần mà phiên giảm sâu này còn kéo giá kim quý giao ngay xuống vùng thấp nhất kể từ đầu tháng 8.
Tính trong tuần này, giá vàng vật chất đã giảm gần 40 USD, tương đương mức giảm ròng 2,2%. Nếu so với cuối tuần liền trước, giá vàng giao ngay cũng đã mất 33 USD.
Tại thị trường trong nước, dù thanh khoản giao dịch vàng vẫn duy trì ở mức thấp khi các doanh nghiệp vẫn phải đóng hầu hết điểm bán để thực hiện quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, giá vàng cũng bị điều chỉnh giảm mạnh theo xu hướng chung của thế giới.
Cụ thể, sau phiên giảm sâu ngày 17/9, giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục biến động trái chiều tại các doanh nghiệp.
Trong đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 56 - 56,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng giá mua và 150.000 đồng giá bán so với ngày hôm qua.
Dù vậy, đây vẫn là vùng giá thấp nhất mà SJC niêm yết với mặt hàng vàng miếng kể từ cuối tháng 5 đến nay.
So với cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC đã giảm 650.000 đồng/lượng. Đà giảm này cùng với chênh lệch giá mua - bán SJC đưa ra ở mức 650.000 đồng/lượng khiến người mua vàng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ 1,3 triệu đồng/lượng, tương đương 2,3% giá trị đầu tư.
Trong khi đó, tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng phiên hôm nay tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, hiện mua vào ở mức 56,2 triệu/lượng, giảm 400.000 đồng và bán ra ở 57,2 triệu/lượng, giảm 100.000 đồng so với ngày 17/9.
Đây cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp vàng miếng tại PNJ sau chuỗi gần 2 tuần chỉ đi ngang do thanh khoản thấp. So với cuối tuần trước, giá vàng miếng tại đây cũng đã giảm gần nửa triệu đồng/lượng.
Không giá vàng miếng chịu ảnh hưởng từ thế giới, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác tuần này cũng chịu xu hướng tương tự khi đã giảm 300.000 đồng chiều mua và 500.000 đồng chiều bán so với tuần trước.
Hiện giá vàng nhẫn PNJ chế tác phổ biến được giao dịch ở mức 50,3 - 52,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đà giảm nửa triệu đồng/lượng cộng với chênh lệch giá mua - bán lên tới 1,9 triệu đồng PNJ đưa ra khiến người mua vàng từ cuối tuần trước đến nay đang chịu khoản lỗ 2,4 triệu đồng/lượng, tương đương 4,5% giá trị đầu tư.
Tương tự, tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, do không phát sinh giao dịch vàng miếng nên giá mặt hàng này vẫn duy trì ở mức 56,6 - 57,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tuy nhiên, giá vàng nhẫn do DOJI chế tác cũng đã giảm gần nửa triệu đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước, hiện phổ biến ở mức 56,4 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bình luận