Tính đến ngày 30/4, thể thao Việt Nam có tổng cộng 10 suất tham dự Olympic Paris 2024, tất cả đều là các vận động viên thi đấu ở nội dung cá nhân. Con số này chưa đạt chỉ tiêu đề ra (12-15 suất).
Lê Đức Phát chính thức có suất dự Olympic
Ngày 28/4 là thời điểm kết thúc các giải tính điểm của môn cầu lông. Đến ngày 1/5, danh sách phân bổ các suất tham dự Olympic Paris 2024 của môn cầu lông chính thức được công bố. Tuy nhiên, dựa vào bảng xếp hạng cuối cùng được chốt sáng nay (giờ Việt Nam), cầu lông Việt Nam chắc chắn có 2 suất tham dự nội dung cá nhân.
Suất đầu tiên thuộc về Nguyễn Thùy Linh được xác nhận từ cách đây 2 tuần. Lê Đức Phát - đơn nam - là cái tên tiếp theo, mới nhất của thể thao Việt Nam có suất dự Olympic.
Cụ thể, Lê Đức Phát đứng thứ 74 trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic Paris 2024. Tuy nhiên, nhiều tay vợt xếp trên Lê Đức Phát không được tham dự Olympic (các đoàn thể thao bị giới hạn số suất tham dự mỗi nội dung). Loại bỏ các đối thủ không đủ điều kiện, vận động viên của Việt Nam xếp hạng 35.
Chưa hết cơ hội
Thể thao Việt Nam vẫn còn cơ hội để hoàn thành chỉ tiêu 12-15 suất chính thức dự Olympic Paris 2024. Các đội tuyển vật, judo, boxing, điền kinh, thể dục dụng cụ và bắn cung là niềm hy vọng cuối cùng.
Thể thao Việt Nam vẫn còn cơ hội để hoàn thành chỉ tiêu 12-15 suất chính thức dự Olympic Paris 2024. Các đội tuyển vật, judo, đấu kiếm, boxing, điền kinh, thể dục dụng cụ và bắn cung là niềm hy vọng cuối cùng.
Đội tuyển vật Việt Nam chỉ đăng ký 2 tuyển thủ nữ dự giải vòng loại Olympic của khu vực châu Á là Nguyễn Thị Xuân và Nguyễn Thị Mỹ Trang.
Hai nữ võ sỹ này không giành được suất chính thức thông qua vòng loại châu Á. Tuy nhiên, họ vẫn còn cơ hội cạnh tranh ở vòng loại thế giới diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó ở môn judo, nhóm tuyển thủ Chu Đức Đạt (60kg nam), Hoàng Thị Tình (48kg nữ), Nguyễn Ngọc Diễm Phương (57kg nữ) được tạo điều kiện tối đa thi đấu để tích lũy điểm số qua các giải ở Tajikistan, Kazakhstan, Tahiti và Peru.
Đội tuyển thể dục dụng cụ còn cơ hội cuối cùng là giải vô địch châu Á (diễn ra từ 16/5 đến 19/5) tại Uzbekistan.
Đội tuyển bắn cung với những nhân tố như Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thị Thanh Nhi, Hoàng Phương Thảo, Lê Quốc Phong, Hoàng Văn Lộc, Nguyễn Thị Hải Châu, Lê Phạm Ngọc Anh, Dương Duy Bảo, Nguyễn Đạt Mạnh, Trần Trung Hiếu, Hoàng Thị Mai, Voòng Phương Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Minh Quý sẽ thi đấu lượt World Cup tiếp theo tại Hàn Quốc và vòng loại Olympic cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 để tích lũy điểm số.
Ngoài những tấm vé chính thức các vận động viên tự giành được thông qua vòng loại, các đoàn thể thao cũng được trao một số suất đặc cách (thường gọi là "vé mời"). Điều này từng xuất hiện ở Olympic Tokyo 2020 khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã thi đấu bằng suất mời của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Cũng tại kỳ Olympic đó, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được tranh tài ở hai nội dung 200m và 800m tự do tại Olympic Tokyo theo diện "vé mời" từ IOC. Tuy nhiên, để nhận được suất đặc cách này, các vận động viên cũng phải đạt được những tiêu chuẩn, thành tích nhất định.
Olympic Paris 2024 sẽ khai mạc ngày 26/7. Đến thời điểm hiện tại đoàn thể thao Việt Nam, các bộ môn và các vận động viên vẫn đang nỗ lực chạy đua với thời gian, tìm kiếm những tấm vé cuối cùng để đến với Thế vận hội mùa hè.
10 suất tham dự Olympic Paris 2024 của đoàn thể thao Việt Nam tính đến thời điểm này là Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing).
Bình luận