Ở mảnh đất Hạ Hòa, Phú Thọ, người ta gọi những người như Nguyễn Văn Tuấn là những gã “săn chàng” (Săn chàng: Từ địa phương chỉ những người chuyên săn bắt, hái lượm những sản vật thiên nhiên). Không chỉ người thành phố lên thăm chốn núi rừng mà ngay cả người dân bản địa nếu muốn thưởng thức đặc sản của vùng đồi núi trung du đều tìm đến Tuấn.
Mùa đông, Tuấn lên đồi tìm măng nứa. Mùa xuân, Tuấn hái rau đắng, quả bứa, quả vả. Mùa thu, Tuấn bắt rắn, bắt cá mương…Và mùa hè Tuấn bắt cua, săn ong rừng…để bán cho những người muốn ăn.
Hiện tại là đầu tháng 7, đang là mùa sinh sản của các loài ong. Nơi Tuấn sinh sống có đủ ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng, ong tay áo…Nhộng ong là món đặc sản được nhiều người ưa thích, tìm kiếm. Dù là dân bản địa nhưng ai muốn ăn cũng phải tìm đến Tuấn vì việc lấy nhộng ong khá nguy hiểm, không cẩn thận sẽ bị ong đốt đến độ phải đi cấp cứu, nặng hơn nữa có thể mất mạng.
“Có nhiều loại ong nhưng nhiều nhất là ong vò vẽ và ong vang. Hai loại ong này nhiều người biết đến nhất và cũng là mặt hàng được nhiều người tìm mua nhất”, Tuấn nói.
Theo Tuấn, tổ của loài ong vàng (ong vang) rất dễ tìm. Chúng thường làm tổ ở các bụi cây nhỏ, gần khu dân cư chứ không làm tổ ở vùng rừng có nhiều cây lớn. Chịu khó quan sát và dựa vào một chút kinh nghiệm thì chỉ cần một chiếc bật lửa và tay không là có thể thu được tổ của loại ong này.
“Ong vang sợ khói lửa, chỉ cần thổi một hơi thuốc lá cũng khiến toàn bộ ong trưởng thành bỏ tổ bay đi hết, thế là mình dùng tay không thu lấy tổ thôi. Loài ong này khá nhút nhát và ít khi tấn công người. Loài này làm tổ lộ thiên, khi thấy tổ có thể quan sát được kích thước và nhộng trong tổ có chắc hay không. Nếu chắc (dày nhộng) là có thể bắt mang về ăn", Tuấn nói.
Trong khi đó, ong vò vẽ là loài nguy hiểm hơn, khó tìm hơn. Nếu cố tấn công một tổ ong vò vẽ mà không biết cách, có thể nhận lấy hậu quả khôn lường, nhẹ thì bị đốt đau đớn, người sưng tấy, nếu bị ong đốt vào mặt dung nhan sẽ bị biến dạng trong vài ngày. Nặng hơn phải đi cấp cứu, thậm chí mất mạng.
“Tổ của loài ong này thường trong rừng rậm hoặc trên cây cao. Muốn lấy tổ ong này phải chờ đến đêm tối, dùng lửa lớn để đốt hết ong thợ mới lấy được tổ. Mặc dù vậy, nếu không cẩn thận vẫn có nguy cơ bị ong đốt", Tuấn kể.
Ở vùng quê này, thanh niên như Tuấn hầu hết đều ra thành thị tìm kiếm cơ hội làm ăn nên không còn ai đi “săn chàng" như Tuấn. Vì thế mà cơ hội tìm thấy ong của Tuấn cũng nhiều hơn. Tuấn bật mí, trong đầu Tuấn hiện tại đang nắm chắc vị trí của khoảng hơn 100 tổ ong vò vẽ, ong vang lớn nhỏ chưa đến kỳ thu hoạch, chờ khách đặt và đến thời điểm là Tuấn sẽ đi bắt về.
Nhộng ong Tuấn bắt về được bán theo cân. Khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg đối với nhộng ong rừng đã tách khỏi tổ và làm sạch. Còn loại nhộng vẫn đang nằm trong tổ, Tuấn bán với giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Nhẩm tính 1 lúc, Tuẩn cười tươi chia sẻ: “Vừa mới đây mình bán tổng cộng 5 kg nhộng, cả loại riêng nhộng và bao gồm cả tầng (tổ ong), cũng phải kiếm được khoảng 1,3 triệu đồng”.
Nhớ lại mùa ong năm ngoái, 2 tháng liên tục chỉ với việc săn ong rừng về bán, Tuấn kiếm được khoảng 15 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là tiền bán ong vang là chính. Bởi ngoài việc săn ong rừng về bán ngay lập tức, Tuấn còn săn ong rừng về nuôi, chủ yếu là vò vẽ và ong bắp cày.
Nuôi đến cuối vụ, đến chớm đông Tuấn sẽ bán cả tổ, bao gồm ong thợ, nhộng cho những thợ buôn ong chuyên nghiệp. Lúc đó, mỗi tổ ong có khi bán được cả 2-3 triệu đồng.
*Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp.
Bình luận