Khi nào niệm Nam mô A Di Đà, khi nào niệm Nam mô Bổn sư Thích Ca?

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 26/03/2024 11:30:00 +07:00
(VTC News) -

Khi niệm Phật, nhiều người đọc "Nam mô A Di Đà", nhiều người khác lại đọc "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật"; hai câu này được áp dụng trong những hoàn cảnh nào?

Hai câu "Nam mô A Di Đà Phật" hay "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" đều rất quen thuộc không chỉ với Phật tử. Tuy nhiên, nhiều người không biết ý nghĩa của câu niệm cũng như cách áp dụng của mỗi câu.

Để giải đáp thắc mắc này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, cho biết câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" hay niệm "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" được áp dụng theo từng hoàn cảnh khác nhau.

Cộng đồng Phật giáo ở một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia không niệm "Nam mô A Di Đà Phật" mà chỉ niệm "Nam mô Bổn sư Thích Ca". Người dân những quốc gia này chỉ thờ Phật Thích Ca - vị Phật hiện diện trong lịch sử.

Người dân các nước theo Phật Giáo Đại thừa như ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thờ nhiều vị Phật nên sẽ niệm cả "Nam mô A Di Đà", "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" và các Phật khác. Riêng Tây Tạng là nước theo Phật giáo Đại Thừa nhưng không niệm "Nam mô A Di Đà".

Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng lý giải, tùy từng hoàn cảnh nà Phật tử áp dụng câu niệm khác nhau. Câu niệm "Nam mô Bổn sư Thích Ca" áp dụng với phần lớn các sự kiện. Ở trong các chùa, thông thường mọi người cũng niệm "Nam mô Bổn sư Thích Ca", nhưng khi gặp nhau, chào nhau sẽ niệm "Nam mô A Di Đà Phật".

Trong khi tụng kinh, người ta thường tụng về Phật Thích Ca và niệm câu "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật", nhưng lời cuối cùng cầu chúc hòa bình thế giới, đất nước phát triển, mọi người cơm no áo ấm, hạnh phúc bình an thì lại niệm "Nam mô A Di Đà Phật". Đây là cách niệm kinh hài hòa giữa Đức Phật Thích Ca lịch sử và Phật A Di Đà được cho là đến từ hành tinh khác.

Khi nào niệm Nam mô A Di Đà Phật, khi nào niệm Nam mô Bổn sư Thích Ca?

Khi nào niệm Nam mô A Di Đà Phật, khi nào niệm Nam mô Bổn sư Thích Ca?

'Nam mô A Di Đà Phật' nghĩa là gì?

Theo lý giải trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, "Nam mô A Di Đà Phật" có nghĩa là “Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng” hoặc “Quay về nương tựa đấng giác ngộ vô lượng”. Đây là câu niệm quen thuộc và thường dùng khi các Phật tử chào nhau.

A Di Đà là danh hiệu của vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" có ý nghĩa quay về nương tựa đấng giác ngộ vô lượng.

Câu "Nam mô A Di Đà Phật!" thể hiện danh hiệu của Phật và đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Sự thông dụng của nó trong sinh hoạt hàng ngày phản ánh lòng tín niệm chân thành của Phật tử. Bốn chữ "A Di Đà Phật" cũng là câu chào lúc Phật tử gặp nhau.

Trong câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật," có 6 ý nghĩa quan trọng:

  • Kính lễ, quy y, phụng thờ: Biểu thị sự tôn kính, sùng bái, và tôn thờ với lòng thành kính.
  • Cứu ngã, độ ngã: Ý chỉ sự giúp đỡ, cứu khổ, và giải thoát con người khỏi vòng luân hồi và đau khổ.
  • Quy mạng: Liên quan đến vận mệnh, số phận của con người, và niềm tin vào sự ảnh hưởng của đạo pháp trong cuộc sống.
  • A: Có nghĩa là Vô, Không, đại diện cho sự vô ngã, vô dụng, không điều kiện, tức là trạng thái trước khi giác ngộ.
  • Di Đà: Nghĩa là Lượng, chỉ sự vô lượng - điều vô biên, không có giới hạn, vô hạn.
  • Phật: Người giác ngộ, đã thức tỉnh hoàn toàn và có khả năng giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Đức Phật A Di Đà. (Ảnh: Phatgiao.org.vn)

Đức Phật A Di Đà. (Ảnh: Phatgiao.org.vn)

Khi niệm câu này, Phật tử thể hiện lòng thành kính tới Đức Phật, tin rằng ngài có thể cứu giúp và đem lại ánh sáng cho cuộc sống của họ. 

Vậy "Nam mô A Di Đà Phật" là "kính lễ đấng Giác ngộ vô lượng" hoặc cũng có nghĩa là "Con quay về nương tựa vào đấng Giác ngộ vô lượng". 

'Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật' là gì?

Theo kinh Phật, Đức Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy thấu rõ, giác ngộ chân lý vạn pháp, đem lại ánh sáng cho nhân gian. Ngài xuất thân từ hoàng tộc Gautama thuộc tiểu vương quốc Shakya nhưng lại lựa chọn con đường tìm chánh đạo, tu tập. Trải qua 6 năm, ngài đạt giác ngộ khi 35 tuổi và dành cả phần đời còn lại để giảng dạy giáo pháp cho chúng sinh. Ngài chính là người đặt nền tảng cho sự hình thành và lan tỏa của đạo lý Phật giáo ngày nay.

Cũng theo lý giải trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, câu niệm "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" có ý nghĩa chi tiết theo từng chữ như sau: Bổn nghĩa là gốc. Sư nghĩa là thầy. Bổn sư tức là gốc của bậc thầy, là một vị thầy lớn. Thích Ca Mâu Ni là tên Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. (Ảnh: Phatgiao.org.vn)

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. (Ảnh: Phatgiao.org.vn)

Tên của Ngài có nghĩa là năng nhân và tịch mặc. Nhân trong nhân đức và năng là năng lực, sức mạnh, năng nhân là sức mạnh của lòng nhân từ. Sức mạnh đó luôn tồn tại trong Đức Phật và cứu khổ cho chúng sinh, nguyện đưa chúng sinh đến nơi cực lạc, xua đi mọi muộn phiền, khổ đau trong cuộc sống.

Tịch mặc có nghĩa là trí tuệ, sự thấu đáo của trí tuệ thấu đạt mọi ngoại cảnh. Đức Phật là bậc đại trí, thoát khỏi tình trạng nô lệ cho ngoại cảnh, cho thân xác và ngộ ra chân lý giải thoát.

Nhật Thùy
Bình luận
vtcnews.vn