Trung tá Đặng Văn Việt là một người có cuộc đời đặc biệt, một số phận bi hùng và từ lâu trở thành giai thoại. Hầu hết các tướng lĩnh còn sống hiện nay đều là lính của ông trước đây.
Dù tài hoa nhưng dường như số phận quay mặt lại với ông. Sau những thăng trầm của số phận con người, ông vẫn sống lạc quan, tích cực, như một người nông dân lao động chăm chỉ bán rau ngoài chợ, 95 tuổi vẫn đi xe máy, đánh tennis...
Trung tá Đặng Văn Việt (SN 1920) là người làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông có nhiều người nổi tiếng.
Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa Giáp Thìn - 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội của ông là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa Kỷ Mùi 1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Từ năm 1947, ông Hướng là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mẹ của ông là bà Hoàng Thị Hiến, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương, cụ Phương là anh ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng như bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính) hay bà Hoàng Thị Minh Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập.
Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Hùm xám đường số 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.
Ngày 19/12/1953, Luật Cải cách Ruộng đất được thông qua. Đầu năm 1954, gia đình ông trở thành nạn nhân của cuộc đấu tố. Cha ông là cụ Đặng Văn Hướng bị đội giảm tô đấu tố tại quê nhà mặc dù chưa có lệnh nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh bãi miễn chức, khi ấy cụ đang đương chức là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh, gia đình ông ly tán khắp nơi. Bản thân ông được điều sang Trung Quốc làm Trưởng phòng Huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam.
Đặng Văn Việt từ Trung Quốc trở về Việt Nam, tiếp tục làm Trưởng phòng Huấn luyện ở Trường Lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.
Sau khi về hưu, cuộc sống ông có lúc lao đao phải đạp xe đưa bánh kẹo kiếm sống. Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, ông có tinh thần học tập và phát triển kiến thức tốt. Ông nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ. Thời gian công tác trong ngành Xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư.
Từ năm 1985, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này.
Đặc biệt, với hồi ký "Đường số 4 rực lửa", ông được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Một số tác phẩm của mình được ông dịch ngược qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế.
Vĩnh biệt một huyền thoại người lính với số phận bi hùng!
Theo thông tin từ gia đình: Tang lễ của Trung tá Đặng Văn Việt sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, từ 7h30 đến 8h30, ngày 27/9/2021.
Bình luận