Đu trend trà sữa hành lá, người trẻ ăn uống khó hiểu hay chiêu trò của quán?

Thị trườngThứ Bảy, 13/04/2024 18:34:00 +07:00
(VTC News) -

Nếu năm ngoái, món gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu lên đồng thì năm nay người trẻ Việt không ngại chi tiền cho loại thức uống khó hiểu là trà sữa hành lá, trà sữa ớt.

Trà sữa hành lá được đánh giá là món đồ uống khó hiểu, "có một không hai" nhưng từ cuối tháng 3, món này được một cửa hàng ở Quận 10 - TP.HCM bán với giá 49.000 đồng/ly, và rất nhiều bạn trẻ xếp hàng mua trải nghiệm.

Khi chế biến ly trà sữa lạ lùng này, quán sẽ để riêng từng phần trà sữa, thạch phô mai, củ năng, trân châu... và hành lá sống được cắt nhỏ. Người uống sẽ tự trộn hành lá vào trà sữa cùng các topping theo ý thích.

Chị Thảo ở Gò Vấp, TP.HCM cho biết tình cờ thấy con gái học lớp 6 cùng các bạn trong lớp thách đố nhau uống trà sữa hành lá, chị cũng thử vào địa chỉ quán đặt hàng.

Trà sữa hành lá sống, thức uống kỳ cục được một quán cà phê tại TP.HCM đưa vào thực đơn với giá 49.000 đồng/ly thu hút nhiều thực khách trẻ trải nghiệm. (Ảnh: Young Tea and Coffee)

Trà sữa hành lá sống, thức uống kỳ cục được một quán cà phê tại TP.HCM đưa vào thực đơn với giá 49.000 đồng/ly thu hút nhiều thực khách trẻ trải nghiệm. (Ảnh: Young Tea and Coffee)

Nhưng ly trà này tạo cho chị cảm giác khó chịu, kỳ cục vì vị ngọt lại kết họp với hăng của hành sống, vốn thường phải làm chín mới không còn mùi hăng đặc trưng và chỉ để chế biến món ăn mặn.

Trước trà sữa hành lá, đầu năm ngoái, giới trẻ Việt cũng lên đồng với gỏi gà măng cụt, cà phê muối, trà mãng cầu rồi bánh đồng xu, trà chanh giã tay, trà sữa nướng... Tuy nhiên, các món này dù được đánh giá khá tốt, có lượng thực khách nhất định nhưng cũng chỉ bùng lên một thời gian rồi nhanh chóng chìm, thậm chí có món không còn được nhắc đến. 

Dù vậy, ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ẩm thực mang tính “trend” đã mang lại cơ hội cho hàng quán. 

Báo cáo Thị trường F&B năm 2023 của iPOS mới công bố cuối tháng 3 cho biết, khi nghiên cứu 4.000 thực khách cùng 3.000 nhà hàng, quán ăn cả nước trong năm qua, kết quả mang lại khá bất ngờ khi đến 65,3% người trong nhóm nghiên cứu khẳng định họ đang bắt kịp xu hướng với việc lựa chọn món ăn/đồ uống ưa thích theo trend.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy cứ 3 người trẻ Việt thì có ít nhất 2 người đu trend ẩm thực đường phố. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực trong nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người trẻ.

Trà sữa đất nung cũng là thức uống từng bùng thành trào lưu năm 2023. (Ảnh: M.Tâm)

Trà sữa đất nung cũng là thức uống từng bùng thành trào lưu năm 2023. (Ảnh: M.Tâm)

Báo cáo cũng chỉ rõ đứng đầu trong danh sách ẩm thực theo trend được ưa chuộng năm 2023 là cà phê muối, với 34,8% người lựa chọn. Thức uống này thực tế đã có từ trước, nhưng chỉ rộ lên khi được review trên mạng xã hội.

Đi sau cà phê muối là trà mãng cầu, với 19,5% người yêu thích. Còn gỏi gà măng cụt cũng có 10,7% người được hỏi cho biết họ thích món ăn này. Món trà ô long đậm vị, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam lần lượt chiếm 11,4%, 7,5% và 6,3% người yêu thích.

Món đu trend được cho gây nhiều tiếc nuối nhất là bánh đồng xu, chỉ 9,8% thực khách yêu thích nhất. Nhưng khi rộ lên, khá nhiều người đã đầu tư tốn kém thuê mặt bằng, mua dụng cụ mở bán món ăn này, nhưng món ăn "chết" nhanh khiến hàng quán lỗ bởi chưa kịp thu hồi được vốn.

Theo ông Vũ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc iPOS, xuất phát từ yếu tố trend, “dễ đến cũng dễ đi”, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thay đổi theo thói quen, phù hợp với nhu cầu đa dạng, thích trải nghiệm và quan tâm đến hình ảnh của giới trẻ. Nhưng do chỉ sau một thời gian ngắn, món ăn trend sẽ bị thay thế bởi một món khác nên nếu đầu tư dài hơi sẽ khó thu hồi vốn.

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director, cho rằng thị trường ẩm thực có 2 nhóm xu hướng. Xu hướng trung và dài hạn do các thương hiệu lớn, các chuỗi triển khai và gây dấu ấn mạnh mẽ trong ngành. Xu hướng này tất nhiên bền vững, có tính toán kỹ nhu cầu khách và các thương hiệu lớn nhỏ sẽ được học hỏi và thúc đẩy thay đổi tích cực.

Xu hướng thích trải nghiệm, khám phá của người trẻ tạo cơ hội cho người kinh doanh biết "đánh nhanh thắng nhanh" nhưng không bền vững. (Ảnh: Công Hiếu)

Xu hướng thích trải nghiệm, khám phá của người trẻ tạo cơ hội cho người kinh doanh biết "đánh nhanh thắng nhanh" nhưng không bền vững. (Ảnh: Công Hiếu)

Điển hình như Highland ra mắt Phindi cuối 2020 và trở thành thức uống yêu thích của dân văn phòng. Hay Katinat với ly cầu vồng, món bơ già dừa non rất được yêu thích…Tất nhiên, các sáng tạo này trên nguyên liệu và gia truyền thống, và không tạo ra một mô hình kinh doanh mới.

Còn xu hướng ngắn hạn là đồ ăn thức uống ra đời do cộng hưởng của hiệu ứng lan truyền của mạng xã hội, xu hướng khám phá của khách trẻ và có hậu thuẫn của các nhà cung ứng thực phẩm.

Điểm chung của xu hướng này thường là các mô hình đầu tư chi phí thấp, tranh thủ hớt váng thị trường dựa trên nhu cầu đột biến. Và kết quả luôn thấy rõ là chóng nở chóng tàn, phục vụ cho nhóm khách có nhu cầu khám phá cao, trải nghiệm cho biết.

Bình luận
vtcnews.vn