Du lịch Vĩnh Phúc: Tiềm năng và thế mạnh 

Du LịchThứ Tư, 20/09/2023 16:22:00 +07:00
(VTC News) -

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Vĩnh Phúc, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm và doanh thu cho địa phương.

“Vùng đất vàng” cho phát triển du lịch

Vĩnh Phúc gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp.

Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang. 

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là Khu du lịch Quốc gia. Thị trấn Tam Đảo được nhận giải thưởng “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022, hệ thống sân golf Vĩnh Phúc được lọt top 5 - sân golf được yêu thích nhất năm 2022...

Cà phê Cổng trời Tam Đảo thu hút đông đảo du khách.

Cà phê Cổng trời Tam Đảo thu hút đông đảo du khách.

Ngành du lịch Vĩnh Phúc được xác định phát triển theo 3 hướng chính nhằm phát huy những thuận lợi về mặt tự nhiên và nhân văn của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân, lãnh đạo các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực này với những giải pháp đồng bộ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch liên tục được đầu tư, nâng cấp. Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm.

Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị uy tín được lựa chọn để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng mạnh về số lượng.

Khơi dậy tiềm năng

Nhờ biết cách khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, ưu tiên nguồn lực đầu tư và thu hút được nhiều dự án lớn, những năm qua, du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đón trên 5,2 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách quốc tế khoảng 40.850 lượt, khách nội địa khoảng 5,14 triệu lượt.

Doanh thu du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 57,5% so với kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Những điểm đến quen thuộc như: Khu du lịch Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải... vẫn khẳng định được sức hút lớn. 

Để tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của du lịch tỉnh nhà, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành các Chương trình hành động, định hướng và đưa ra biện pháp để kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển song song giữa việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn và việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông, tỉnh cũng sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và tiếp tục xúc tiến hoạt động quảng bá, hợp tác du lịch để ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế biết tới và lựa chọn Vĩnh Phúc như một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Việt Nam.

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Phúc đang triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. 9,2 triệu lượt khách, doanh thu lĩnh vực du lịch ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, đó là mục tiêu Vĩnh Phúc đặt ra trong năm nay. 

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn