• Zalo

Doanh nghiệp startup ‘bật mí’ cách xuất khẩu bánh tráng, bún, cháo

Thị trườngThứ Tư, 15/11/2023 16:26:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Các doanh nghiệp startup (khởi nghiệp) đã tiết lộ cách xuất khẩu những lô hàng đầu tiên đi thị trường Nhật Bản, Mỹ và hàng chục quốc gia khác.

Bánh tráng, bún, cháo "bước ra" thế giới

Ngày 15/11, talk show “Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu” diễn ra tại TP.HCM. Các doanh nghiệp, chuyên gia đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh vấn đề xuất khẩu hàng Việt.

Talk show "Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu" diễn ra tại TP.HCM. (Ảnh: Đại Việt)

Talk show "Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu" diễn ra tại TP.HCM. (Ảnh: Đại Việt)

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh Foods cho biết, anh đã bỏ giấc mơ định cư ở Mỹ đề về Việt Nam khởi nghiệp làm bánh tráng và bún. Lý do khởi nghiệp của anh Toàn cũng khiến nhiều người bất ngờ. 

Vào năm 2006, khi đang học Đại học California State, anh Toàn ghé vào một siêu thị và thấy bịch bánh tráng gắn mác “Product of Thailand”. Anh suy nghĩ, đây chắc chắn là bánh tráng Việt Nam vì Thái Lan chưa sản xuất bánh tráng. Việc sản phẩm Việt gắn mác Thái rồi bán ở Mỹ khiến anh đau đáu suy tư. Anh muốn hàng Việt phải có chỗ đứng ở nước ngoài.

Anh Toàn quyết định khởi nghiệp làm bánh tráng sau 4 năm học tại Mỹ. Thế nhưng, khi về làng bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) để khởi nghiệp thì muôn vàn khó khăn ập đến.

Bánh tráng được sản xuất thủ công có năng suất thấp. Chất lượng sản phẩm và tính thẩm mỹ không cao. Việc kinh doanh chủ yếu là ở trong nước”, anh Toàn nói.

Thế nhưng, bước ngoặt của anh đã tới khi có một đoàn khách Nhật Bản đến tham quan cơ sở sản xuất bánh tráng. Anh Toàn tặng cho mỗi du khách một ít bánh tráng làm quà. Sau đó 2 tuần, một vị khách Nhật đã đặt vấn đề mua bánh tráng. Đối tác này tư vấn cho anh áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Một thời gian sau, đơn hàng đầu tiên của anh đã chính thức xuất sang thị trường Nhật Bản. Đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu bánh tráng, bún qua 48 quốc gia trên thế giới.

Làm bánh tráng truyền thống phải dầm mưa, dãi nắng, vất vả nhưng năng suất và chất lượng khó đảm bảo. Nếu làm bằng dây chuyền công nghệ thì chất lượng sản phẩm sẽ được kiểm soát tốt hơn. Mỗi thị trường, mình phải có một chất lượng thành phẩm khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng”, anh Toàn chia sẻ.

Anh Toàn chia sẻ việc bén duyên xuất khẩu bánh tráng qua thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Đại Việt)

Anh Toàn chia sẻ việc bén duyên xuất khẩu bánh tráng qua thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Đại Việt)

Còn anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, nhà sáng lập Cà Mèn cho biết, ngoài việc kinh doanh kiếm lợi nhuận thì doanh nghiệp đang hướng đến việc tạo ra giá trị cho bà con nông dân ở Quảng Trị.

Cụ thể, doanh nghiệp này đang sản xuất cháo bột cá lóc, miến lươn, bún lươn… Chính vì vậy, công ty đã thu mua các sản phẩm như gạo, lươn, cá lóc, củ nén, tiêu, ớt bột, nước mắm cho bà con nông dân. Việc này tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người.

Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, nhà sáng lập Cà Mèn. (Ảnh: Đại Việt)

Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận, nhà sáng lập Cà Mèn. (Ảnh: Đại Việt)

Theo anh Thuận, trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thủ công. Sau một thời gian, anh may mắn được doanh nghiệp có kinh nghiệm ở Mỹ tư vấn sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Mẫu mã sản phẩm được cải thiện nhưng vẫn giữ được hương vị quê nhà đã giúp chúng tôi xuất khẩu được 3 container cháo bột cá lóc sang thị trường Mỹ, đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng”, anh Thuận nói.

Cũng theo anh Thuận, nhờ việc xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Mỹ mà Cà Mèn đã có cơ hội được kết nối với các nhà xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường Canada, Singapore, Úc, New Zealand. Doanh nghiệp và đối tác đang xúc tiến để xuất khẩu thêm hàng hóa sang Nhật Bản, châu Âu.

Người Mỹ bắt "trend" gỏi gà măng cụt, cà phê muối

Bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation chia sẻ, doanh nghiệp này đang kinh doanh tại Mỹ và nhận thấy đây là một thị trường rất tiềm năng của các startup Việt Nam. Hiện đang có khoảng 7 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó có hơn 3 triệu người ở Mỹ. 

Theo bà Jolie Nguyễn, kiều bào luôn mong muốn sử dụng sản phẩm quê hương. Các sản phẩm từ Việt Nam luôn được lòng khách hàng nhờ chất lượng. Việt Nam có thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt nên cũng cho ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Điển hình như xoài cát Hòa Lộc có hương vị thơm ngon, đặc trưng và khác hoàn toàn với xoài của Mexico. Do đó, hàng Việt có thể cạnh tranh được với nhiều mặt hàng khác nếu doanh nghiệp biết khai thác cơ hội.

Bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation chia sẻ kinh nghiệm "thực chiến" tại Mỹ. (Ảnh: Đại Việt)

Bà Jolie Nguyễn, Chủ tịch LNS International Corporation chia sẻ kinh nghiệm "thực chiến" tại Mỹ. (Ảnh: Đại Việt)

Cũng theo bà Jolie Nguyễn, kiều bào ở nước ngoài cũng bắt trend rất nhanh khi Việt Nam có sản phẩm "hot". Điển hình như gỏi gà măng cụt hay cà phê muối… Nhiều doanh nghiệp thấy "dễ ăn" nên có tư duy xuất khẩu theo đường xách tay hoặc tiểu ngạch, miễn sao tới tay khách hàng.

Tuy nhiên, theo bà Jolie Nguyễn, đó là tư duy sai lầm. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải đi theo con đường chính thống, cung cấp sản phẩm chất lượng và không làm mất uy tín của mình ở nước ngoài.

Bà Jolie Nguyễn cho rằng, sản phẩm Việt khi xuất khẩu sang Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất chính là khoảng cách địa lý quá xa khiến các sản phẩm mất lợi thế về thời gian, tốn chi phí vận chuyển và khó bảo quản sản phẩm. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp Việt có bao bì sản phẩm không được bắt mắt, không phù hợp với thị trường nước ngoài.

Bà Jolie nhấn mạnh, nếu muốn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo bao bì sản phẩm thật chuẩn, có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng (nutrition facts), thông tin hiển thị phải được phiên âm tùy theo từng thị trường, có thêm thông tin cảnh báo về sản phẩm như: thành phần dị ứng hay đối tượng tránh sử dụng…

Bên cạnh đó, các sản phẩm Việt phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia được Mỹ bảo hộ. Do đó, doanh nghiệp cần phải đầu tư máy móc, nhà xưởng và luôn luôn học hỏi để phát triển chất lượng sản phẩm. Sản phẩm tốt mới có thể giữ chân khách hàng.

Bà Jolie Nguyễn lưu ý, khi bước vào thị trường Mỹ, ngoài tiêu chuẩn FDA, hồ sơ xây dựng nhà máy, bộ quy tắc quản lý sản xuất, quản lý rủi ro, hồ sơ quản lý chất lượng của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Việc này giúp sản phẩm của doanh nghiệp thông quan dễ dàng mà không gặp phải bất kỳ rào cản nào.

Nhận định về cơ hội của các startup Việt, chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa nhận định, bước sang năm 2024, những phản ứng chính sách của Việt Nam sẽ tập trung vào vấn đề xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đang có nhiều tín hiệu tích cực. Điều này tạo cơ hội cho xuất khẩu phát triển. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước “hấp thụ” nguồn vốn đầu tư FDA từ nước ngoài. Chính phủ sẽ tập trung vốn đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực chủ lực, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và sản xuất chế biến. 

Cũng theo ông Nghĩa, trong 1 - 2 năm tới, thế giới sẽ xảy ra sự dịch chuyển luồng thị trường do chiến tranh. Những luồng dịch chuyển này cũng là cơ hội để sản phẩm của doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường thế giới. Đây cũng chính là cơ hội cho các startup trong “cơn bão” suy thoái như hiện nay.

ĐẠI VIỆT
Bình luận
vtcnews.vn