Điều chưa kể về anh hùng Phan Đình Giót

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 02/05/2024 07:00:07 +07:00

Gương hy sinh của anh hùng Phan Đình Giót đã được cả loài người tiến bộ biết đến với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Chú tôi vốn là lính Điện Biên, nay đã bước sang tuổi 90, nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Tết vừa qua chú tôi đưa cháu ngoại về thăm ông bà nội của cháu, nhà ông bà nội ở số 3, đường Phan Đình Giót, TP Hà Tĩnh. Nhìn vào bảng chỉ đường, cháu đột nhiên hỏi: "Ngoại ơi! Ông Phan Đình Giót làm gì mà được đặt tên phố?" Ngoại thủng thỉnh trả lời: "Phan Đình Giót là một chiến sỹ Điện Biên Phủ như ngoại cháu năm xưa".

Liệt sỹ Phan Đình Giót sinh năm 1922, ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên (nay là thôn 5), xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình bần nông, nghèo khổ, sống trong túp lều tranh xiêu vẹo, dột nát. Cha mất sớm, mẹ góa ở vậy nuôi con khôn lớn. Vì đói nghèo, mới lên 7 tuổi, là anh cả, Phan Đình Giót đã phải đi ở đợ cho gia đình bá hộ, để kiếm miếng cơm thừa canh cặn.

Hai kỷ vật của anh hùng Phan Đình Giót.

Hai kỷ vật của anh hùng Phan Đình Giót.

Nói về tuổi trẻ của Phan Đình Giót, cụ Phan Đình Giát, em trai của Giót kể: “Anh Giót hơn tôi 3 tuổi, vợ anh là bà Nguyễn Thị Rạn. Lấy vợ nhưng không tổ chức cưới hỏi gì, vì nhà quá nghèo, chỉ sang nhà gái nói chuyện rồi đưa chị về ở cùng.

Sau đó bà sinh được một cháu trai, nhưng ngày ấy bệnh dịch hoành hành, thuốc thang không có. Đứa bé mới 7 tháng tuổi bị sốt, nằm trên chiếc chõng tre trong túp lều tranh xiêu vẹo. Nghe người làng mách, anh Giót chạy khắp xóm xin lá thuốc dân gian về nấu nước xông cho con. Nhưng vì sức yếu, thiếu sữa, bé đã tắt thở trên tay anh Giót”.

Cụ Giát còn nói thêm: “Nghĩ cũng tội. Giá mà đứa bé còn sống, thì nay lo được hương khói cho anh tôi”.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, Phan Đình Giót cùng bạn bè trang lứa, chia tay vợ, giã từ cuộc sống nô lệ lầm than, hăng hái tham gia tự vệ thôn chiến đấu.

Năm 1950, ông xung phong đi bộ đội chủ lực. Trong cuộc đời chinh chiến ông đã từng tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Tây Bắc và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong các trận đánh có Phan Đình Giót tham gia đều lập được nhiều chiến công xuất sắc. Có lần ông đã chích máu viết bản “Quyết tâm thư”, gửi lên Ban chỉ huy Đại đoàn thể hiện ý chí kiên cường của một chiến sỹ giác ngộ cách mạng.

Mùa Đông năm 1953, đơn vị ông được lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm 500 chiến sỹ, phải vượt qua nhiều đèo cao suối sâu, mang vác vũ khí nặng, nhưng Phan Đình Giót vẫn kiên trì động viên, giúp đỡ đồng đội về đích đúng thời hạn.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, đơn vị ông còn tham gia xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa. Phan Đình Giót luôn nêu cao tinh thần người đảng viên Cộng sản gương mẫu, động viên đồng chí, đồng đội bền gan, quyết chí chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên.

Em trai anh hùng Phan Đình Giót là cụ Phan Đình Giát.

Em trai anh hùng Phan Đình Giót là cụ Phan Đình Giát.

Kể về anh hùng lực lượng vũ trang Phan Đình Giót, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh (lúc bấy giờ là diễn viên kịch nói của Đoàn Tuyên văn của Tổng Cục Chính trị) nói: “Đoàn Tuyên văn lên chiến trường Điện Biên Phủ biểu diễn trước khi mở màn chiến dịch lịch sử. Lúc đó anh Phan Đình Giót là tiểu đội trưởng, Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Gặp đồng đội, đồng hương anh Giót mừng lắm... Anh Giót rủ tôi ra góc chiến hào và hỏi: “Sắp tới Cảnh có về quê không cho mình gửi thư cho vợ””.

Lá thư tình dài hai mặt giấy, anh Giót nhờ Cảnh viết hộ, lời lẽ hết sức xúc động. Thực ra Giót cũng biết chữ, vì đã qua lớp bình dân học vụ, nên trước đây, mỗi lần viết thư về nhà, thường chỉ đôi dòng ngắn ngủi: “Tui vẫn khỏe - mần răng ở nhà yên bình thì tui yên tâm”.

Nhưng ở lá thư này khá dài. Hình như chiến sỹ Phan Đình Giót linh cảm được điều gì đó, nên trong thư dặn dò chị Rạn rất nhiều: “Nếu như tui có mệnh hệ chi thì ở nhà cứ đi bước nữa” và anh còn đùa “Anh không sai đường, nên chắc em nỏ giận”.

Chuyện kể rằng: Chiều 13/3/1954, đơn vị ông được lệnh nổ súng tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Mở đầu trận đánh, hàng loạt pháo ta rền vang dội lên đầu thù, cả trận địa rung chuyển, mịt mù khói đạn, các chiến sỹ Đại đội 58 lao lên mở đường, liên tiếp đánh đến quả bọc phá thứ 8.

Tiếp đó, Phan Đình Giót đánh quả thứ chín, thì ông bị thương vào đùi, nhưng vẫn không lùi bước, ông xung phong đánh tiếp quả thứ mười. Các chiến sỹ ta phải giành giật với quân thù đánh chiếm từng cứ điểm, từng ngọn đồi ở Điện Biên Phủ. Trong lúc đó, quân Pháp từ các lỗ châu mai nhả đạn như mưa xuống trận địa quân ta, khiến bộ đội bị thương và thương vong khá nhiều.

Cùng với các thương binh khác, Phan Đình Giót được chuyển về tuyến sau, được y tá Phan Công Thành băng bó vết thương. Công việc băng bó vừa xong, vết thương máu chưa ngừng chảy, thì thương binh Phan Đình Giót hừng hực khí thế diệt giặc trả thù cho đồng đội.

Vào lúc 22h, băng qua bão đạn, ông lao lên đánh liên tiếp hai quả bọc phá nữa, phá toang hàng rào cuối cùng, mở đường cho đồng đội tiến lên đánh sập lô cốt đầu cầu.

Lợi dụng lúc địch hoang mang tột độ, bộ đội ta chuyển sang phương án dùng thủ pháo đánh lô cốt. Đúng lúc thời cơ thuận lợi, Phan Đình Giót lao sát lô cốt số hai, ném thủ pháo và bắn kiềm chế cho đơn vị xông lên. Nhưng một lần nữa ông bị thương ở cả vai và đùi, máu chảy nhiều. Đồng đội lại đưa ông về tuyến sau, ông lại được y tá Thành cấp cứu. Sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều.

Anh hùng Phan Đình Giót.

Anh hùng Phan Đình Giót.

Ngay lúc đó, bất ngờ hỏa lực địch từ lô cốt số 3 bắn rất mạnh vào đội hình của ta, lực lượng xung kích bị ùn lại. Nhiều chiến sỹ xung phong lao lên đều hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Dù bị trọng thương, sức tàn, lực kiệt, nhưng bỗng nhiên Phan Đình Giót vùng dậy, ôm bọc phá lao đến lô cốt số ba với ý nghĩ duy nhất quyết tâm dập tắt tiếng súng lô cốt này!

Ông dồn mọi sức lực còn lại, nâng nòng súng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hô to: “Quyết hy sinh vì Đảng... vì dân...”, rồi ông rướn người lên, lấy đà lao thẳng cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai lô cốt địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp đã bị dập tắt.

Chiến sỹ Phan Đình Giót đã vĩnh viễn ra đi... vào lúc 22h30 ngày 13/3/1954. Toàn thân ông bị đạn kẻ thù bắn nát. Thi thể Phan Đình Giót đã lấp kín lỗ châu mai. Quân Pháp bên trong lô cốt bị vướng không thể bắn ra được nữa.

Nắm bắt thời cơ, toàn thể đơn vị ồ ạt xông lên như vũ bão tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhân dân Việt Nam rất tự hào hình tượng các anh hùng liệt sỹ Điện Biên Phủ chẳng những đi vào trang sách trẻ thơ, trong các ca khúc hùng tráng, mà còn đi vào trong thơ ca cách mạng, tiêu biểu là bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu:

Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...

Và chính anh hùng

Phan Đình Giót như một hòn núi lớn/Ngực yêu đời đè bẹp lỗ châu mai.

Điện Biên Phủ đã phải trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”, đến nay đã 70 năm trôi qua, chúng ta vẫn luôn luôn xúc động nhớ tới những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh. Gương hy sinh của anh hùng Phan Đình Giót đã được cả loài người tiến bộ biết đến với chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Chiến sỹ Phan Đình Giót là một trong 16 Anh hùng của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, được tuyên dương công trạng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 31/3/1955, Phan Đình Giót lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Sau đó, ông còn được truy tặng thêm Huân chương Quân công hạng Nhì.

Để ghi nhớ chiến công của Anh hùng Phan Đình Giót, tại Bảo tàng Quân đoàn I còn lưu giữ hai kỷ vật quý giá của ông, đó là chiếc bi đông và khẩu súng tiểu liên mà ông đã dùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt ngoài thành phố Hà Tĩnh, quê hương của Phan Đình Giót, nhiều thành phố, thị xã của các tỉnh trong cả nước đều có đường phố mang tên ông.

(Nguồn: Tiền Phong)

Link: https://tienphong.vn/dieu-chua-ke-ve-anh-hung-phan-dinh-giot-post1631471.tpo

Bình luận
vtcnews.vn