“Việt - Lào hai nước chúng ta, Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Tôi luôn nhớ đến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình cảm thân thương, sâu nặng, cũng là mối quan hệ đặc biệt của hai đất nước, hai dân tộc cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, cùng uống chung dòng nước Cửu Long. Đặc biệt, không chỉ riêng tôi mà người dân TP Phan Thiết, người dân Bình Thuận còn có niềm tự hào riêng là nơi đây còn mang đậm một công trình kiến trúc đặc biệt, biểu tượng của tình cảm Việt - Lào đã tồn tại gần 90 năm”.
Ông Trần Xuân Phong - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận - mở đầu cuộc trò chuyện với VTC News về công trình kiến trúc mang những nét nghệ thuật độc đáo nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022) trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022.
Tháp nước Phan Thiết được xem là công trình ghi dấu mối quan hệ của hai nước Việt - Lào và trở thành biểu trưng của tỉnh Bình Thuận
- Xin ông cho biết vì sao Tháp nước Phan Thiết lại được coi là công trình ghi dấu mối quan hệ của hai nước Việt Nam - Lào? Chắc hẳn công trình này có lịch sử hình thành rất đặc biệt, thưa ông?
Tháp nước Phan Thiết (hay còn gọi là Đài nước, Lầu nước) hiện được nằm trong khu vực công viên Vườn hoa Phan Thiết, bên bờ tả sông Cà Ty (thuộc phường Bình Hưng, TP Phan Thiết).
Tháp nước do Hoàng thân Lào Souphanouvong (1909 - 1995) thiết kế. Lúc bấy giờ ông đang du học tại trường Albert Sarraut ở Hà Nội - ngôi trường nổi tiếng ở Đông Dương do thực dân Pháp xây dựng dành riêng cho người Pháp và con em quan lại cao cấp, doanh nhân trên toàn cõi Đông Dương theo học.
Ý tưởng thiết kế Tháp nước Phan Thiết của Hoàng thân Souphanouvong được Sở Công chánh Hà Nội duyệt, sau đó công trình được đưa ra đấu thầu. Có ba nhà thầu tham gia là: George Motte, Langlet (người Pháp), Ưng Du và Huỳnh Văn Dậu. Cuối cùng nhà thầu Ưng Du (người gốc Huế, sinh sống và làm việc tại Bình Thuận) đã trúng thầu. Công trình được khởi công năm 1928, đến năm 1934 thì hoàn thành.
Tháp nước là món quà, công trình kiến trúc nghệ thuật quý giá mà Hoàng thân Souphanouvong (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) để lại trên vùng đất Phan Thiết. Nó cũng trở thành biểu tượng của tình đoàn kết Việt - Lào.
- Trên trang chủ của Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận có logo mang hình Tháp nước. Ông có thể nói rõ thêm về chi tiết này?
Giai đoạn 2002 - 2005, UBND tỉnh Bình Thuận phát động cuộc thi sáng tác Logo - biểu tượng tỉnh Bình Thuận, thu hút được rất nhiều họa sỹ trong và ngoài tỉnh tham gia.
Sau cuộc thi, ngày 25/7/2005, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 47/2005/QĐ-UBND công nhận Tháp nước Phan Thiết là biểu tượng chính thức của tỉnh.
Hiện ngành du lịch Bình Thuận đưa tháp nước vào danh mục giới thiệu rộng rãi về một công trình hữu nghị độc đáo, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em.
Từ đó, biểu tượng tháp nước không những chỉ phổ biến trên các tác phẩm văn học nghệ thuật, logo của các công ty trong tỉnh mà còn ghi dấu trong tâm trí những người con Phan Thiết, Bình Thuận.
Việc được Nhà nước quan tâm cho phép thiết lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh không chỉ là nguyện vọng tha thiết của các cấp chính quyền và nhân dân thành tỉnh Bình Thuận mà còn mang ý nghĩa về mặt chính trị thể hiện mối quan hệ đặc biệt của hai nước, góp phần gìn giữ, vun đắp cho tình hữu nghị đoàn kết Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
- Điểm đặc sắc trong kiến trúc của công trình này so với các công trình tháp nước cùng thời là gì, thưa ông?
Tháp nước Phan Thiết là công trình kiến trúc nghệ thuật “được giới kiến trúc đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước ở Việt Nam bởi sự thanh thoát, sang trọng kiểu kiến trúc phương Đông”.
Tháp nước Phan Thiết lúc bấy giờ được xây dựng theo chủ trương của nhà cầm quyền Pháp phải cao hơn 30 m (cao hơn Tòa Công sứ), nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho Tòa Công sứ cách đó khoảng 250 m về phía Đông Bắc (nay là trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận) và người dân nội thị Phan Thiết.
Để giải quyết chức năng chứa được lượng nước mà vẫn an toàn, vững chãi, vị Hoàng thân tài năng thiết kế công trình có hình trụ bát giác cao 32 m, càng lên cao càng thu nhỏ dần theo dạng hình tháp.
Tháp có 2 phần: Phần trên là bầu đài (bồn nước) hình bát giác cao 5 m, đường kính 9 m và có sức chứa 400 m3 nước; phần dưới là thân tháp hình trụ bát giác cao 22 m, đường kính chân Tháp nước 10 m, chu vi chân Tháp nước 32,4 m. Bao quanh chân Tháp nước là khoảng sân có đường kính 26 m.
Điểm độc đáo để biến một khối hình trụ mất đi vẻ nặng nề, trên nóc Tháp nước ông đã thiết kế mái che hình bát giác được kiến tạo thành 3 tầng mái lợp ngói móc, mỗi tầng mái cách nhau 0,5 m, rộng 1 m và lợp phủ ra ngoài 0,5 m.
Để công trình in đậm cấu trúc phương Đông hơn nữa, dọc theo các cạnh của thân Tháp nước từ trên xuống Hoàng thân chia làm 5 ô, mỗi ô trang trí các hoa văn chữ Triện gồm 5 chữ: Hỷ, Phúc, Thọ, Kiết, Lộc. Hàm ý cầu chúc cho muôn người vui vẻ, hạnh phúc, trường thọ, thịnh vượng và no ấm. Riêng cạnh phía Tây ô thông gió chữ Lộc được thay bằng cửa sắt ra vào tháp.
Để đánh dấu thời kỳ xuất hiện của công trình mà vẫn hòa quyện với truyền thống, xung quanh bầu đài Tháp nước có 8 hình tròn được đắp nổi bằng các mảnh sành sứ men xanh theo kiểu chữ Triện với 4 chữ Quốc ngữ UEPT, đây là 4 chữ đầu của dòng chữ tiếng Pháp: Usine des Eaux de Phan Thiết (Nhà máy nước Phan Thiết).
- Tháp nước hiện nay còn sử dụng được không, thưa ông?
Hiện nay, Tháp nước Phan Thiết đã hoàn thành nhiệm vụ chứa và cấp nước sinh hoạt; thay vào đó, nó trở thành di tích lịch sử của tỉnh Bình Thuận, trên đỉnh tháp có treo cờ Tổ quốc và cờ Đảng.
Hàng ngày, người dân TP Phan Thiết được nghe hồi còi đúng lúc 7h và 17h các ngày làm việc trong tuần. Vào thời điểm Giao thừa, một hồi còi đặc biệt cũng được vang lên báo hiệu cho năm mới bắt đầu.
Tháp nước Phan Thiết đã trở thành một biểu tượng rất gần gũi với nhân dân khi nằm trong công viên.
- Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, Tháp nước Phan Thiết còn có ý nghĩa trong phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Việc quản lý, tu bổ và bảo tồn công trình được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Việc quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Tháp nước Phan Thiết là việc làm hết sức cần thiết và có nhiều ý nghĩa để giới thiệu, quảng bá đến nhân dân và du khách về một công trình kiến trúc độc đáo mang tính biểu trưng của TP Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận; góp phần giáo dục cho các thế hệ đương thời và mai sau về mối quan hệ, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của 2 dân tộc Việt - Lào trong lịnh sử.
Đồng thời, nó cũng nhắc nhở cho thế hệ trẻ biết được những đóng góp to lớn của ngài Souphanouvong - nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đối với nhân dân Việt Nam.
Từ đó, hướng các thế hệ đương thời và mai sau biết được giá trị, ý nghĩa lịch sử độc đáo của Tháp nước Phan Thiết để có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý giá này về lâu về dài.
Cuối năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã sửa chữa, tu bổ chống xuống cấp công trình nhằm bảo vệ phát huy giá trị di tích, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ Tháp nước hơn 7.400 m2.
Hiện bề mặt bên ngoài đã được sơn lại theo đúng với thiết kế ban đầu và tiếp tục tôn tạo những hạng mục tiếp theo với nguyên tắc giữ được nguyên trạng, giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích về kiến trúc, màu sắc theo hồ sơ khoa học về di tích lịch sử - văn hóa Tháp nước Phan Thiết.
Tôi mong muốn các phương tiện thông tin truyền thông giành nhiều thời lượng và chương trình hơn để đăng tải, phát thanh, phát sóng nhiều chuyên đề, phóng sự để giới thiệu và quảng bá giá trị của Tháp nước Phan Thiết.
Ông Trần Xuân Phong - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
- Theo ông, cần thêm những yếu tố nào để công trình được bảo vệ và quảng bá tốt hơn đến người dân cả nước?
Để gìn giữ, bảo tồn Tháp nước tốt hơn, thời gian tới UBND TP Phan Thiết cần triển khai thành lập Ban Quản lý di tích và Quy chế hoạt động của Ban Quản lý để trực tiếp quản lý và phát huy giá trị di tích phục vụ nhu cầu thưởng lãm, tìm hiểu về công trình này của người dân địa phương và du khách khi đến tham quan.
Để khắc phục tình trạng nhếch nhác xung quanh khu vực Tháp nước như đã diễn ra lâu nay, Ban Quản lý cần có kế hoạch và phương án tổ chức các hoạt động, trò chơi lành mạnh, phù hợp để phục vụ các cháu thiếu nhi một cách hợp lý. Đồng thời, có dự án cải tạo cảnh quan, môi trường xung quanh cho xứng tầm với giá trị và ý nghĩa đặc biệt của di tích.
Các cấp, ngành chức năng của tỉnh và TP Phan Thiết cần chú trọng xúc tiến việc quảng bá, tuyên truyền về nội dung, giá trị, ý nghĩa và những nét kiến trúc độc đáo của Tháp nước trên các phương tiện thông tin truyền thông.
Tôi mong muốn các phương tiện thông tin truyền thông giành nhiều thời lượng và chương trình hơn để đăng tải, phát thanh, phát sóng nhiều chuyên đề, phóng sự để giới thiệu và quảng bá giá trị của Tháp nước Phan Thiết.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận