Sáng 22/11, Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, xác nhận cơ quan chức năng vừa khám xét Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Theo đó, từ nguồn tin tố giác tội phạm của công dân và công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành khám xét Công ty Mirae Asset. Lệnh khám xét được thực hiện do công ty này có liên quan đến tin tố giác về hành vi cho vay nặng lãi.
Qua khám xét, công an thu giữ nhiều tài liệu và tiếp tục đấu tranh, lấy lời khai, phân loại 150 người là nhân viên của Công ty Mirae Asset ở Quảng Nam.
Cách đây 2 ngày, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 13 người thuộc Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset để điều tra về hành vi "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
13 bị can gồm: Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, Trần Minh Tiến.
Theo Công an TP.HCM, quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Công ty Tài chính TNHH MTV Asset Việt Nam là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam do L.J (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc; được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.
Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng.
Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ từ 1 - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng. Nhóm nợ từ 90 - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng điện thoại, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.
Nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), họ sẽ sử dụng diện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo...
Sau đó, họ gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.
Theo Cơ quan điều tra, công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn phát hiện một số công ty thu hồi nợ sử dụng phương thức dùng điện thoại di động gọi điện đe dọa, chửi bới, dùng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ.
Bình luận