• Zalo

'Cha đẻ' phim Đào, phở và piano: Tôi run rẩy khi làm phim chính sử

Sao ViệtChủ Nhật, 03/03/2024 15:33:54 +07:00Google News
(VTC News) -

Đạo diễn Phi Tiến Sơn của phim "Đào, phở và piano" mong khán giả có cái nhìn "thoáng" hơn khi xem phim lịch sử.

Đào, phở và piano hiện vẫn là chủ đề được nhiều khán giả yêu điện ảnh Việt quan tâm. Sáng 3/3, nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì buổi giao lưu với đạo diễn Phi Tiến Sơn "cha đẻ" bộ phim Đào, phở và piano cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh (phim Hà Nội mùa đông năm 46) để chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi làm phim lịch sử.

Hiện đang ở nước ngoài nhưng đạo diễn Phi Tiến Sơn không bỏ lỡ buổi giao lưu, ông xuất hiện trực tuyến để chia sẻ cùng khán giả.

Nam đạo diễn cho hay, ông làm phim Đào, phở và piano vì tình yêu với mảnh đất kinh kỳ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bản thân luôn thầm hứa phải làm gì đó vì Hà Nội. Tôi luôn tự thấy như mình có 1 món nợ với mảnh đất này nên trong tôi luôn có sự thôi thúc phải làm phim về Hà Nội".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ trực tuyến cùng khán giả Hà Nội.

Ông tiết lộ, khi bộ phim gây sốt ở thị trường phim chiếu rạp trong nước, ông đang ở nước ngoài nên khá bất ngờ: "Theo dõi trên mạng và được đồng nghiệp báo tin, thấy phim được sự quan tâm của nhiều khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ, tôi rất xúc động".

Trước những lời khen ngợi bộ phim đã "đánh thức" sự quan tâm của khán giả với lịch sử nước nhà, đạo diễn Phi Tiến Sơn khiêm tốn cho hay đó là "nói quá".

Ông cho rằng bản thân và bộ phim chỉ giúp "kích hoạt" sự quan tâm, yêu mến sẵn có của khán giả với lịch sử mà thôi: "Nếu nói phim khiến khán giả quan tâm hơn đến lịch sử và yêu nước hơn là nói quá.

Tôi cho rằng tình yêu nước và sự quan tâm dành cho lịch sử đã nằm sẵn trong tiềm thức mỗi người Việt. Chúng tôi chỉ là người "kích hoạt công tắc" để mọi thứ bừng lên mà thôi, đó cũng là điều nằm ngoài mong đợi của chúng tôi.

Chắc chắn rằng sau đây sẽ có nhiều hãng phim, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dòng phim lịch sử cho dù làm phim về đề tài này rất khó".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn và Tuấn Hưng (vai ông Phán) trên phim trường "Đào, phở và piano".

Đạo diễn Phi Tiến Sơn và Tuấn Hưng (vai ông Phán) trên phim trường "Đào, phở và piano".

Nam đạo diễn thừa nhận bản thân ông gặp rất nhiều khó khăn khi làm phim về lịch sử. Thậm chí, Phi Tiến Sơn đã "run rẩy" khi nghĩ đến việc mình sẽ làm phim về chính sử: "Tôi rất mê đề tài lịch sử nhưng tôi run rẩy khi nghĩ đến việc làm phim chính sử, vì sẽ dễ gây ra tranh cãi".

Chính vì thế, nam đạo diễn quyết định xây dựng kịch bản Đào, phở và piano theo hướng riêng: "Tôi đã chọn hình thức lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử để tạo nên một câu chuyện với những nhân vật hư cấu. Những nhân vật này xuất phát từ câu chuyện kể của bố tôi, từ ký ức của tôi về Hà Nội.

Tôi thử sức với dòng kịch bản không có xung đột, không có nhân vật nào căm ghét ai, không có các mối tình tay ba tay tư".

Cũng nhờ vậy Phi Tiến Sơn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ anh em trong ê-kíp khi thực hiện phim: "Với kịch bản này các diễn viên và anh em trong ê-kíp rất hào hứng vì họ được thử sức.

Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng mọi người đều cố gắng vượt qua. Bản thân tôi cũng bị cuốn vào không khí do mọi người đem lại, có những cảnh quay khi quay xong cả đoàn lặng người đi. Đó chính là những thuận lợi cho tôi trong quá trình làm phim".

Nam đạo diễn thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi làm phim lịch sử.

Nam đạo diễn thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi làm phim lịch sử.

Nam đạo diễn cũng thừa nhận vì bối cảnh lịch sử khá xa so với thời điểm hiện tại nên ông không tránh khỏi sai sót khi thể hiện một số chi tiết trong phim: "Tôi đã đi gặp một số cựu chiến binh để hỏi về cách họ cố thủ trong chiến lũy năm đó.

Bác ấy nói với tôi rằng để "nghi binh" bác đã dùng pháo tép đốt trên chiến lũy. Nhưng khi hỏi bác ấy đem pháo tép lên đó như thế nào, đựng bằng vật liệu gì thì chính bác ấy cũng không còn nhớ rõ. Để dựng lại cảnh này, tôi buộc phải tự mình tìm tòi, sáng tạo ra.

Cũng có những chi tiết bản thân tôi cũng bất ngờ khi được khán giả chỉ ra rằng mình đã làm sai. Ví dụ như hình ảnh chiếc xe tăng trong phim, một số khán giả cho biết thời điểm đó quân đội Pháp chưa sử dụng loại xe tăng này".

Tuy nhiên, nam đạo diễn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim lịch sử. Bởi việc dựng lại đúng hoàn toàn so với bối cảnh lịch sử không phải điều dễ dàng nên ông hi vọng khán giả sẽ xem phim với tâm thế rộng mở, chấp nhận những chi tiết ước lệ, sáng tạo nếu nó không phải sai sót quá lớn.

An Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn