Tôn Vệ Đông (SN 1969) thông minh từ nhỏ, xuất thân trong gia đình nghèo ở Giang Âm (Giang Tô, Trung Quốc). Anh được mệnh danh là thiên tài Vật lý của Trung Quốc. Thời đi học, Vệ Đông là học sinh có thành tích cao nhất trường, lớp. Trong mắt giáo viên, anh là học sinh xuất sắc, tấm gương sáng để các bạn noi theo.
15 tuổi đỗ đại học
Năm 1984, Vệ Đông đỗ vào Lớp cơ sở (dành cho thiên tài trẻ đỗ đại học trước 18 tuổi) của Đại học Phúc Đán ngành Vật lý. Bước chân vào cánh cửa đại học ở tuổi 15, anh đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Trong quá trình học tập, Vệ Đông được giáo sư Vật lý nổi tiếng Tạ Hy Đức, đồng thời là hiệu trưởng của Đại học Phúc Đán lúc bấy giờ, hướng dẫn nghiên cứu.
Năm 1988, sau khi tốt nghiệp đại học loại Xuất sắc, anh mong muốn học tiếp lên thạc sĩ. Để nuôi dưỡng niềm đam mê với ngành Vật lý hạt nhân, Vệ Đông tham gia chương trình CUSPEA do giáo sư Lý Chính Đạo - người đoạt giải Nobel sáng lập, nhằm tuyển chọn nhân tài trẻ sang Mỹ du học. Chương trình này đã đào tạo ra các nhà khoa học và giáo sư đầu ngành Vật lý ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau sự cố của nhà khoa học Lý Văn Hà, Mỹ điều chỉnh kế hoạch đào tạo nhân tài và cấm sinh viên Trung Quốc học ngành Vật lý. Để ở lại Mỹ, Vệ Đông phải chuyển sang học ngành Khoa học Máy tính tại Đại học New York.
Tốt nghiệp thạc sĩ năm 1991, anh tiếp tục học lên tiến sĩ. Sau đó, Vệ Đông gia nhập một công ty công nghệ ở Phố Wall (New York, Mỹ) với vai trò lập trình viên cao cấp. Mức lương Vệ Đông nhận được cách đây hơn 20 năm, khoảng 130.000-134.000 USD/năm (3,1-3,2 tỷ đồng).
Sở hữu mức thu nhập hơn 3 tỷ/năm thời điểm đó, nhiều người tưởng rằng Vệ Đông sẽ có cuộc sống xa hoa ở nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, tình hình hiện tại của anh vừa được một blogger người Mỹ gốc Hoa chia sẻ trên mạng xã hội khiến không ít người xót xa.
Tuổi 54 sống chật vật, đi ăn xin suốt 16 năm
Chia sẻ trong video của blogger này, Vệ Đông giới thiệu là cử nhân đại học danh tiếng của Trung Quốc, nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ và từng làm việc tại Phố Wall. Hiện tại, anh thất nghiệp lang thang ở New York, trở thành người vô gia cư 'ăn bờ ở bụi' suốt 16 năm qua.
Anh kể, mùa hè ngủ ở ven đường, mùa đông đến ga tàu điện ngầm vì có hệ thống sưởi. Khi được blogger hỏi nguyên nhân dẫn đến tình cảnh hiện tại, Vệ Đông tâm sự do áp lực công việc cộng với biến cố gia đình.
Gia nhập công ty công nghệ, Vệ Đông quen một đồng nghiệp. Cả 2 yêu nhau được 4 năm, sau đó về nhà chung. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa và lối sống, không lâu sau 2 người ly thân 8 năm. Cuối cùng, Vệ Đông và vợ cũ quyết định ly hôn.
Cú sốc này, khiến Vệ Đông thu hẹp bản thân không giao tiếp với xã hội, dần dần mắc chứng ảo giác. Về sau, anh không thể minh mẫn làm việc như người bình thường. Anh cho hay, kể từ khi ly hôn đến nay đã lang thang được 16 năm.
Khi được hỏi "anh đã từng tìm công việc lao động chân tay nào chưa?", Vệ Đông cho biết chưa từng vì bản thân là người tham vọng, nên không đánh giá cao việc chân tay. Anh cho hay, chỉ muốn làm việc văn phòng và tuyệt đối không làm bảo vệ hoặc dọn dẹp trong trung tâm thương mại.
Cuối video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, blogger khuyên Vệ Đông lựa chọn 1 trong 2 điều: Xin trợ cấp chính phủ Mỹ để có nơi cư trú hoặc tìm việc chân tay trở lại cuộc sống bình thường. Anh lập tức trả lời, sẽ quay lại Phố Wall tìm việc sau khi nghỉ ngơi.
Blogger nói thêm, sẵn sàng giúp đỡ để Vệ Đông có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Vệ Đông có mong muốn làm lại cuộc đời hay không. Câu chuyện của Vệ Đông từ một thiên tài Vật lý đến kỹ sư công nghệ cao cấp ở Phố Wall, sau biến cố gia đình trở thành người ăn xin đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Một số người cho rằng, không biết Vệ Đông đã trải qua điều gì. Tuy nhiên, từng được mệnh danh là thiên tài, mức lương 20 năm trước đạt được 3 tỷ/năm, không khó để anh tìm được công việc nuôi sống bản thân.
Cuộc đời của Vệ Đông là câu chuyện thực tế đang gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người chưa tin được sự tàn nhẫn của số phận. Anh từng là niềm tự hào của gia đình, thiên tài Vật lý được nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ, nhưng đã lang thang ở nước ngoài suốt 16 năm. Câu chuyện cũng là bài học để mọi người suy nghĩ về việc lựa chọn học tập, sinh sống và cống hiến ở nước ngoài.
Bình luận