Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0

Bạn đọc viếtThứ Hai, 13/11/2023 16:30:00 +07:00
(VTC News) -

Đây là chủ đề của bài viết tham gia giải "Búa liềm vàng" của anh Nguyễn Hoàng Long - Chi bộ 3, Đảng bộ cơ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - CN Quảng Ninh.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ảnh hưởng và đột phá trên nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, sự phát triển của AI trong thời gian gần đây đã mang đến nhiều thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là sự mô phỏng hoạt động trí tuệ con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính; sản phẩm này do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi giống với con người.

Các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo là những ứng dụng máy tính mô phỏng hành vi của con người bằng cách học các mẫu dữ liệu và thông tin chuyên sâu khác nhau.

Một số ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra các kết quả đa dạng nhờ xử lý và thu thập những dữ liệu có sẵn để tạo nội dung, biên tập, chỉnh sửa hoặc thay thế nội dung; tạo hoặc chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video…

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 - 1

Những ứng dụng này giúp người dùng giảm thời gian biên tập nội dung, tăng hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian xây dựng các nội dung có mục đích cá nhân hoặc thương mại.

Các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo hiện có nhiều tiềm năng phát triển và có thể được cải tiến hơn nữa về độ chính xác nhờ cập nhật về công nghệ, bổ sung dữ liệu, nâng cấp hạ tầng, do đó trong tương lai gần sẽ trở thành công cụ đắc lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Mặc dù có nhiều tác động tích cực đến đời sống xã hội, nhưng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nhiều nghi vấn về các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, vấn đề đạo đức xã hội, quyền con người và các hoạt động chính trị.

Cùng với đó là sự lo ngại vi phạm quyền riêng tư của người dùng; khả năng định hướng người dùng bởi các nội dung được tạo ra như văn bản, âm thanh, video… dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro và nghiêm trọng hơn khi nhiều người thực sự tin những thông tin đưa ra từ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Về bản chất, các ứng dụng này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các thuật toán, dữ liệu đầu vào do con người cung cấp. Một số tác động tiêu cực của các ứng dụng trên như:

Nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân hoặc tổ chức: Khi thiết lập và sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, người dùng phải đăng ký tài khoản và sử dụng số điện thoại hoặc email để kích hoạt tài khoản. Việc đăng ký này đều phải cung cấp thông tin cá nhân như: họ tên, năm sinh, số điện thoại, địa chỉ email…

Dựa vào đây, phương thức tự học của các chương trình có thể sẽ vừa thu thập thông tin cá nhân vừa sử dụng nhằm mục đích phân tích dữ liệu về đặc điểm, sở thích, tính cách, ngành nghề…

Nguy cơ mất an ninh - an toàn xã hội: Tội phạm có thể lợi dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho các mục đích phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dẫn dắt các hoạt động phạm pháp.

Các thế lực thù địch lợi dụng các ứng dụng này để tạo làn sóng dư luận, lan truyền, phát tán tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, gây mất ổn định trật tự - an toàn xã hội.

Nguy cơ sai lệch trong nhận biết thông tin: Đối với các chương trình tạo văn bản, tạo hoặc chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video: các thế lực thù địch đã sử dụng kỹ thuật lồng ghép các quan điểm sai trái, thông tin không chính xác để tuyên truyền các nội dung này bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các nội dung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Nhà nước và chế độ XHCN, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Nâng cao cảnh giác của cán bộ, Đảng viên trước những thông tin sai lệch, tin giả là sản phẩm của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo bằng các hành động như:

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên hiểu rõ về những hạn chế, những xu thế độc hại của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Đảm bảo dòng thông tin từ truyền thông chính thống, tin cậy về các chủ đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và trang bị cho cán bộ, Đảng viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp; nâng cao khả năng nhận diện đối với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội do các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước trên không gian mạng, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp về phát triển các ứng dụng, chương trình sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Sử dụng phù hợp các ưu điểm của trí tuệ nhân tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tận dụng tính năng “tự học” và nguồn cơ sở dữ liệu lớn của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng cường thông tin tích cực, tạo dựng kho dữ liệu xanh phục vụ nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.

Nguyễn Hoàng Long
Bình luận
vtcnews.vn