5 cầu thủ bị bắt vì ma tuý: Nỗi đau bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt NamThứ Sáu, 10/05/2024 08:43:00 +07:00
(VTC News) -

5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh dùng ma tuý, bị bắt, trong đó có Quả bóng Vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung khiến người hâm mộ choáng váng.

Ngày 8/5, công an Hà Tĩnh xác nhận bắt 5 cô gái cùng 5 cầu thủ của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh liên quan đến việc tổ chức sử dụng ma tuý gồm. Đinh Thanh Trung, Nguyễn Trung Học, Nguyễn Ngọc Thắng, Dương Quang Tuấn và Nguyễn Văn Trường là những cái tên được nhắc đến.

Người hâm mộ choáng váng và thất vọng trước thông tin nhiều ngôi sao mà họ thần tượng sa đà vào tệ nạn.

Niềm tin sụp đổ

"Đinh Thanh Trung trông hiền lành, nghiêm túc và luôn thi đấu cống hiến mà", một người hâm mộ bình luận trên bài đăng liên quan đến việc 5 cầu thủ Hà Tĩnh bị bắt. Một người khác viết: "Ngọc Thắng chẳng có vẻ gì của một thanh niên hư hỏng".

Chuyện một bộ phận cầu thủ Việt Nam sử dụng chất cấm không phải mới. Đã có vài trường hợp bị "điểm mặt, đặt tên" trên mặt báo trong quá khứ. Có người là tuyển thủ quốc gia, tuyển thủ U23 Việt Nam, số khác là cầu thủ thành danh ở V.League, cũng chẳng thiếu cầu thủ còn rất trẻ nhưng sa đà vào những thói ăn chơi vô bổ.

Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào mà số cầu thủ "nhúng chàm" cùng lúc nhiều đến như vậy.

5 cầu thủ Hà Tĩnh bị bắt vì liên quan đến chất cấm.

5 cầu thủ Hà Tĩnh bị bắt vì liên quan đến chất cấm.

Nguyễn Trung Học là cựu tuyển thủ U23 Việt Nam, Ngọc Thắng vừa dự giải U23 châu Á 2024, Quang Tuấn là cựu tuyển thủ U21 Việt Nam còn Đinh Thanh Trung giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2017. Sự nghiệp đồ sộ của Đinh Thanh Trung được bao người ngưỡng mộ. Dù không còn xuất hiện ở đội tuyển quốc gia từ thời ông Park Hang Seo nhưng đẳng cấp của Thanh Trung là điều không phải bàn cãi.

Sự việc cầu thủ dùng ma tuý tiếp tục làm dấy lên sự nghi ngờ của người hâm mộ vào tính chân thực của các trận đấu bóng đá ở Việt Nam. Nhiều người đặt dấu hỏi, liệu Ngọc Thắng có thực sự "tỉnh táo" khi phạm lỗi với cầu thủ U23 Kuwait rồi phải nhận thẻ đỏ và U23 Việt Nam chịu phạt đền.

Hay, những trận đấu của CLB Hà Tĩnh có vấn đề không, cầu thủ đủ sức thi đấu hay đang bận nghĩ đến những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng. Dĩ nhiên, chẳng cổ động viên nào thừa hơi dành tình cảm, sự ủng hộ cho những cầu thủ chiều đá bóng, tối đi tìm chỗ thác loạn ma tuý. 

V.League vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hình ảnh suốt 2 năm qua giờ lại càng vất vả. Người hâm mộ không chỉ nghi ngờ chuyện các đội bóng chơi không đúng sức, trọng tài liên tục mắc sai lầm mà còn phải nghi ngờ chuyện cầu thủ mình thần tượng có sa vào tệ nạn hay không. Cổ động viên hẳn sẽ chua chát khi mình thần tượng... nhầm người.

Hệ lụy khó lường

Thật khó để nói rằng câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh buông lỏng quản lý cầu thủ như nhiều bình luận trên mạng xã hội. Không ông chủ đội bóng hay huấn luyện viên nào muốn chứng kiến cảnh này. Thậm chí, họ còn thường xuyên nhắc nhở vận động viên đừng dính dáng vào ma túy, cờ bạc.

Một vị trí sa sút, mất tập trung vì nguyên nhân ngoài sân cỏ có thể đánh sập công sức của cả đội bóng. Đội trưởng, lại là đàn anh như Thanh Trung vi phạm kỉ luật, sẽ có những người đàn em dễ theo chân và sa ngã. Thật không may, đó lại là tuyển thủ U23 Việt Nam, sự nghiệp đang có nhiều bước thăng tiến như Nguyễn Ngọc Thắng.

Ngọc Thắng là tuyển thủ U23 Việt Nam.

Ngọc Thắng là tuyển thủ U23 Việt Nam.

Trong quá khứ, nhiều tuyển thủ tham gia bán độ, dàn xếp tỉ số. Người khác lại sinh hoạt thiếu chuẩn mực, văng tục, chửi bậy, sử dụng rượu bia nhiều đến mức "không ai không biết". Có người đánh bạc nợ nhiều tiền, chủ nợ "vây quanh" đại bản doanh đội bóng. Giờ đây, một nhóm cầu thủ lại bị bắt vì ma tuý.

Cầu thủ dùng ma túy là chuyện không thể chấp nhận, nhưng độ tuổi ngày càng "trẻ hóa" của những người liên quan đến chất cấm là tín hiệu đáng báo động.

Trước đây, các đội bóng tại V.League và hạng Nhất vẫn có cách riêng để quản quân. CLB chủ quản thậm chí còn có nhiều biện pháp "độc, lạ" để ngăn chặn cầu thủ dùng chất cấm. 

Trường hợp của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tiếp tục là bài học để các nhà quản lý xem xét lại các biện pháp răn đe. Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đổ sông, đổ biển nếu hình ảnh của đội bóng bị bôi nhọ vì những sự việc như trên. Các nhà tài trợ trở nên e dè khi giải đấu xảy ra hàng loạt bê bối, đội bóng lại dính scandal vi phạm pháp luật.

Xa hơn, bao nhiêu gia đình sẵn sàng cho con em theo đuổi bóng đá chuyên nghiệp nếu bủa vây xung quanh là thông tin về những bữa tiệc ma tuý?

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn